Khởi nghiệp từ sự khác biệt

Võ Văn Tiếng (Út Tiếng, ngụ tại xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã được gia đình cho “thuê” 2ha đất ruộng để khởi nghiệp trồng lúa sạch.
“Ba mẹ đang làm nông, ba mẹ có biết xài phân bón hóa học độc hại như thế nào không?”. “Có chứ!”. “Con cũng mới tập tành làm nông đây thôi nhưng con sẽ không sử dụng phân bón hóa học. Con sẽ trồng lúa theo cách tự nhiên, an toàn cho người sử dụng gạo nhà mình. Ba mẹ cho con mượn đất nha?”. Nói riết, cuối cùng Võ Văn Tiếng (Út Tiếng, ngụ tại xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã được gia đình cho “thuê” 2ha đất ruộng để khởi nghiệp trồng lúa sạch.
Khát khao của người trẻ
Út Tiếng chia sẻ đơn giản: “Mỗi năm nhà tôi sản xuất trên 200 tấn lúa, muốn lúa nhanh phát triển tốt tươi phải sử dụng trên 20 tấn phân/năm và muốn lúa cho nhiều năng suất thì sử dụng trên 1 tấn thuốc trừ sâu. Tính nhẩm thử xem, cứ một phần hóa chất sẽ tạo thành mười sản phẩm. Vậy đó là lương thực an toàn hay là thành phẩm của thuốc hóa học?”.
Kiến thức về nông nghiệp bằng không. Vụ mùa đầu, Út Tiếng đối diện với vô số thử thách, từ tư tưởng gia đình đến kiến thức kinh nghiệm làm nông và nhất là niềm tin với hướng đi đã chọn. Với diện tích đất 2ha, Út mày mò phương thức từ sách vở, vật lộn ngày đêm với cánh đồng, giảm phân bón xuống mức tối đa, hướng tới bỏ cả bón phân, không phun thuốc. Mô hình của Út Tiếng là tận dụng tối đa tác dụng của thiên địch: thả cá thiên nhiên trong ruộng và nuôi đàn vịt thả đồng để diệt trừ sâu bệnh, ốc; bơm nước hoặc dùng tay để diệt cỏ dại… Út chấp nhận chịu rủi ro chứ không dùng những thứ độc hại đến tự nhiên. 
Út Tiếng đặt tên cho gạo của mình là Tâm Việt. Tổng kết mùa vụ đầu của gạo an toàn Tâm Việt, năng suất lúa tươi đạt 8,5 tấn. Khi sát thành gạo, đạt 4,3 tấn trên gần 2ha. Đến nay, Út đã thực hiện vụ mùa thứ 4. Bác Hai, ba của Út quyết định cho con trai mượn thêm 8ha đất ruộng nữa. Hiện tại, sau hơn 1 năm, sản phẩm của Út Tiếng đã có mặt tại khá nhiều các phiên chợ tại TPHCM và luôn “cháy” hàng khi gia nhập thị trường buôn bán trên mạng. 
Khởi nghiệp từ sự khác biệt ảnh 1 Út Tiếng trên cánh đồng trồng lúa sạch
Nếu có một công việc ở vị trí phó trưởng phòng một công ty nước ngoài, thu nhập 30 triệu đồng/tháng, bạn có từ bỏ để bắt đầu khởi nghiệp dù đối mặt với muôn vàn khó khăn không? Vậy mà, Trần Thanh Tùng (29 tuổi, TPHCM) đã dám bỏ công việc ấy để theo đuổi Dự án Cà phê sáng tạo Monkey in Black (MIB - quán cà phê sáng tạo dành cho giới trẻ). MIB của Tùng hiện có 3 chi nhánh tại TPHCM. “Tuy nhiên, 3 tháng đầu, mọi thứ với tôi không dễ dàng. Dự án đã đối mặt với tình trạng “nguy kịch” khi chi phí nguyên vật liệu và lương nhân viên quá cao, thậm chí đến mức sắp phải phá sản nếu như không có ý tưởng mới: cà phê nhai luôn ly với vỏ ly làm từ bánh cookie và chocolate trắng. Cách vượt qua khó khăn là cố gắng cày ngày cày đêm, có niềm tin vào nhân sự và nhớ lý do vì sao mà mình bắt đầu”, Tùng tâm sự.
Còn với Đỗ Hữu Tân, 28 tuổi (kỹ sư điện tử, tốt nghiệp ĐH Bách Khoa TPHCM), người tạo nên ý tưởng hộp hô biến Magix, thì những ý tưởng sáng tạo và con đường khởi nghiệp luôn bắt nguồn từ nhu cầu của cuộc sống. Dự án hộp hô biến của Tân nhằm biến các hộp giấy đựng quần áo thành những vật dụng hữu ích như móc treo đồ, khung hình…, ra đời đúng thời điểm bùng phát thương mại điện tử. Thấy người mua chỉ lấy sản phẩm và bỏ hộp đi khi chi phí của hộp tính vào chi phí sản phẩm, Tân tự đặt câu hỏi: có cách nào để tái sử dụng chiếc hộp đó hay không? Tân tự mày mò sáng tạo và khi đã có đơn hàng, Tân nghĩ đến sự tối ưu mà thương mại điện tử rất cần: chi phí, thời gian, nhân công. Hiện, Tân nhận bao thầu trọn gói quy trình đóng gói, từ các thao tác công nhân đóng gói đến hoàn thiện sản phẩm đem đi giao, với 40.000 - 50.000 sản phẩm/tháng cho hơn 10 đối tác. 
Cần những kết nối
Công việc khởi nghiệp đầu tiên của bạn trẻ Lê Thị Hồng (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) là trồng hoa lan cắt cành. Cách đây gần một năm, khi đi giao hoa cho cửa hàng, Hồng nhìn thấy một số loại lá có thể cắm kèm trong những lẵng hoa. Từ đó, Hồng nảy sinh ý tưởng trồng những loại lá này trong vườn lan vốn còn nhiều chỗ trống. 
Thế nhưng, trở ngại đầu tiên bạn gặp phải là giá các loại lá mua tại vựa cây kiểng quá cao, nếu trồng với số lượng lớn thì vốn đầu tư đòi hỏi rất lớn. Tình cờ đọc một bài báo viết về câu chuyện khởi nghiệp của anh Đặng Văn Thanh (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), biết anh đang cung cấp những loại lá mình cần, Hồng liền liên hệ đặt cây. Dù chưa gặp mặt, chỉ trao đổi qua điện thoại, vậy mà anh Thanh rất nhiệt tình giúp đỡ, còn nói sẽ giúp Hồng lo đầu ra nếu bạn trồng số lượng lớn. Hiện tại Hồng đã đặt mua 1.600 cây giống với giá thấp chưa đến phân nửa so với giá mua ở vựa cây kiểng, trồng để cung cấp cho cửa hàng hoa ở Tây Ninh. Sắp tới, Hồng dự định trồng thêm cây trúc đốm và một số loại cây khác nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. “Người mới bắt đầu khởi nghiệp rất cần có người đồng hành giúp họ vượt qua những trở ngại”, Hồng chia sẻ.
Sự sẻ chia ấm áp được kể tiếp bằng câu chuyện của Út Tiếng. Khi khó khăn về vốn, Út Tiếng được anh Phạm Minh Thiện, CEO Doanh nghiệp Cỏ May hỗ trợ vốn để tiếp tục trồng lúa. 
Tuy nhiên, gạo lúc đầu chỉ được đóng trong bao sơ sài. Chẳng ai giúp làm thương hiệu, truyền thông, nên cậu nông dân trẻ cứ loay hoay một mình với cái ý tưởng ấy. May mắn cho Út Tiếng khi được sự trợ giúp từ Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA. Chính BSA đã hỗ trợ Út Tiếng truyền thông thương hiệu gạo Tâm Việt đến mọi người qua các phiên chợ như Chợ Phiên lương nông, Phiên chợ xanh tử tế… tại TPHCM. Chính BSA cũng giới thiệu Út tham gia các chuyến giao lưu học hỏi, chia sẻ mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ tại nhiều tỉnh. “Những chuyến giao lưu không chỉ tạo cơ hội học hỏi về kinh nghiệm trồng trọt - khởi nghiệp, mà còn mở thêm vòng tay kết nối với mọi người, kết nối thêm với các bạn trẻ có tình yêu với các mô hình lập nghiệp, khởi nghiệp nông nghiệp sạch”, Út Tiếng chia sẻ.

Chính sách đã mở nhưng còn nhiều thách thức

Sự hội nhập ngày càng sâu rộng đã và đang tạo ra nhiều cơ hội cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể khởi nghiệp thành công khi rào cản lớn của người trẻ không chỉ là thiếu vốn và kinh nghiệm thực tiễn? Muốn khởi nghiệp, người trẻ nên bắt đầu từ đâu? Một số chuyên gia đã có ý kiến về vấn đề trên. 

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - BSSC: Người trẻ khởi nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn

Hiện nay, TP đã và đang xây dựng nhiều chính sách để tạo đột phá hơn trong việc hỗ trợ khởi nghiệp. Đây chắc chắn là tín hiệu vô cùng lạc quan vì nếu đi đúng hướng sẽ tạo động lực lớn cho sự sáng tạo và quy tụ được nhiều các nguồn lực để thúc đẩy nền kinh tế khởi nghiệp đúng nghĩa. Về phía các doanh nghiệp khởi nghiệp, chính sách sẽ mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra thách thức không nhỏ - áp lực cạnh tranh. Tuy nhiên, đây là sự cạnh tranh rất đáng giá và quý báu, không chỉ cho các nhà khởi nghiệp mà cho cả nền kinh tế nói chung.   
Tất nhiên, so với các nước, thậm chí chỉ là các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…, môi trường khởi nghiệp Việt Nam chỉ mới bắt đầu và đương nhiên sẽ còn nhiều vấn đề cần phải xây dựng trong một bối cảnh nguồn lực còn hạn chế. Nếu nguồn lực hạn chế, điều cần nhất là chọn đúng điểm mấu chốt, đúng điểm rơi phù hợp để tạo tác động và tầm ảnh hưởng. Đối tượng trẻ với khởi nghiệp sáng tạo có thể là một phân khúc rất phù hợp trong giai đoạn này. Với lợi thế có nhiều thời gian và cơ hội tiếp cận với thế giới phẳng, có động lực chinh phục và táo bạo, quyết tâm để biến một điều gì đó từ không thể đến có thể, những nhà khởi nghiệp trẻ tuổi nếu được hỗ trợ cả nguồn lực và kinh nghiệm dẫn đắt, thành công sẽ không phải là điều gì đó xa vời.  

Ông Trương Cẩm Minh, chuyên gia đào tạo khởi nghiệp theo chương trình NESTA của Anh Quốc: Còn thụ động khi khởi nghiệp

Về mặt xã hội, nhận thức về tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ ngày càng tăng. Chúng ta nhận thấy khao khát muốn cống hiến cho đất nước thông qua việc làm giàu chính đáng cho bản thân là một nhu cầu của giới trẻ hiện nay. 
Nếu như cách đây hơn 10 năm, tôi bước ra khởi nghiệp không người dẫn dắt, phải mò mẫm tự mình mà đi, thất bại thì nhiều, thành công không bao nhiêu và môi trường cũng không tích cực, bây giờ mọi thứ thuận lợi hơn và dĩ nhiên cũng có những thử thách mới. Bạn có thể học hỏi nhanh những thất bại của người khác qua những buổi chia sẻ, đào tạo khởi nghiệp, từ các cộng đồng khởi nghiệp... hoặc chí ít là từ công cụ tìm kiếm trên mạng. Điều này là quan trọng vì khi khởi nghiệp, bạn không có nhiều tiền để trả giá mãi cho những thất bại, cách tiết kiệm nhất là rút tỉa từ những kinh nghiệm của người khác. Những thuận lợi về mặt chính sách, sự nhìn nhận cởi mở hơn của xã hội tạo điều kiện cho những thành công của các bạn trẻ dễ dàng hơn. Hiện tại, mạng lưới các nhà đầu tư cũng đang hình thành và điều cần thiết là các bạn trẻ phải nỗ lực hơn để kết nối.
Tôi cho rằng, người trẻ đôi khi còn thụ động. Bạn không thể cứ ngồi phàn nàn là thiếu vốn trong khi chân không chịu bước ra ngoài đi tìm nhà tài trợ. Tôi cũng hy vọng, trong tương lai có một trang thông tin về các sự kiện liên quan tới khởi nghiệp và việc chia sẻ mang tính trực tuyến để các bạn trẻ ở những TP khác có thể tận hưởng những lợi ích từ sự kết nối. 

Ông Lê Đức Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Mỹ thuật Trà Quế: Hiểu rõ bản thân và chấp nhận rủi ro

Hiện nay, khởi nghiệp gần như là một trào lưu, mà cái gì bùng nổ, phát triển nhanh quá thì cũng sẽ tiềm ẩn những vấn đề của nó. Các bạn phải hiểu đúng về bản thân mình, hiểu mình có phải là một người phù hợp để làm khởi nghiệp hay không. Khởi nghiệp không phải dành cho tất cả mà chỉ dành cho những người có tố chất nhất định, trong những trường hợp nhất định. 
Ngoài ra, các bạn cũng cần suy nghĩ lựa chọn thời điểm khởi nghiệp. Nếu chọn con đường khởi nghiệp, các bạn phải có những tích lũy kinh nghiệm, kiến thức về cách tổ chức, vận hành... Đặc biệt, các bạn khởi nghiệp thì không thể chỉ một mình, các bạn phải làm việc với người khác (cộng sự, người lao động), nếu chưa có kinh nghiệm giải quyết những vấn đề phát sinh thì sẽ rất khó khăn.
Tuổi trẻ có nhiều hoài bão, ước mơ. Các bạn hãy mơ những giấc mơ lớn nhưng hãy bắt tay vào những việc nhỏ, thật cụ thể. Đây là một trong những điều tôi chia sẻ khi hướng dẫn các bạn khởi nghiệp: nghĩ lớn - nhìn xa nhưng bắt tay vào những việc thật cụ thể. Khi các bạn khởi nghiệp, với quy mô doanh nghiệp nhỏ, thị trường có quá nhiều yếu tố bất định, nếu cứ đi trên mây sẽ không ổn. Chẳng hạn, trong những giai đoạn của khởi nghiệp bắt buộc phải có dòng tiền về, từ từ các bạn mới có thể tính đến những thời điểm hòa vốn và có lợi nhuận. Nếu như ngay cả đoạn có doanh thu mà các bạn cũng không làm được thì có thể nói dự án khởi nghiệp đó thất bại. Do vậy, phương hướng khởi nghiệp chỉ giới hạn trong 1 - 2 năm. Sau 1 - 2 năm được hỗ trợ, các bạn phải tự đứng được trên đôi chân của mình, doanh thu phải đủ bù chi phí thì nên làm tiếp, nếu không thì các bạn nên ngừng. Còn nếu các bạn không chấp nhận rủi ro, muốn an toàn thì nên chọn cách khác.
NHÓM PHÓNG VIÊN (ghi)

Tin cùng chuyên mục