Thương mại hóa sản phẩm
Góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TPHCM là “Thành phố khởi nghiệp” cho giới trẻ; khuyến khích và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong cộng đồng trí thức trẻ; hỗ trợ phát triển ý tưởng thành sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp NNCNC (thuộc Ban quản lý Khu NNCNC TPHCM) và Sở KH-CN TPHCM phối hợp tổ chức cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” từ năm 2017.
Theo TS Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm Uơm tạo doanh nghiệp NNCNC, cuộc thi “Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” năm 2019 hướng đến đối tượng là thanh niên, giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện không chỉ trên địa bàn TPHCM mà còn ở các tỉnh quan tâm và mong muốn khởi nghiệp; có ý tưởng, sản phẩm, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến và quản lý sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Điểm nổi bật cuộc thi năm nay là chúng tôi chú trọng đến khả năng thương mại của sản phẩm, có nghĩa là các dự án không chỉ dừng lại sau khi tham gia cuộc thi mà sẽ còn được đồng hành, hỗ trợ hoàn thiện công nghệ, sản phẩm để từ đó có thể thương mại hóa sản phẩm ra thị trường cũng như kêu gọi đầu tư từ các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư…”, TS Nguyễn Hải An cho hay. Ngoài ra, các dự án đạt giải còn được ưu tiên xem xét, lựa chọn tham gia chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại trung tâm và tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (SpeedUp) của Sở KH-CN TPHCM với số tiền hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng/dự án.
Kinh nghiệm khởi nghiệp
Anh Hà Văn Lộc, sáng lập và điều hành Công ty TNHH Sài Gòn TCS, nhận xét, nhìn ra được nhu cầu thị trường và có công cụ (vốn, kiến thức, thiết bị) để giải quyết là 2 yêu cầu phải có rồi mới nói đến khởi nghiệp. Đồng thời, phải tiên lượng khoản vốn để không bị “chết” giữa chừng.
Ý tưởng có thể độc đáo phục vụ số đông, nhưng không thể hiện thực hóa nếu không có nhà đầu tư hỗ trợ. Một kinh nghiệm khác, cần xác định sản phẩm có gì khác biệt, thế mạnh cạnh tranh thì mới mạnh dạn khởi nghiệp. Nếu muốn lập dự án và gọi vốn, đầu tiên là nắm vững lĩnh vực đó, phát hiện ra “điểm nghẽn” và nhu cầu thị trường, sau đó ứng dụng công nghệ để giải quyết, đồng thời chứng minh được hiệu quả kinh tế sẽ dễ dàng kêu gọi đồng vốn của nhà đầu tư.
Trả lời câu hỏi tham vấn của ông Từ Minh Thiện, Phó ban Quản lý Khu NNCNC TPHCM về chính sách hiện nay đối với doanh nghiệp ra sao, một nhà khởi nghiệp về nấm cho biết, để một sản phẩm thực phẩm ra thị trường cần có giấy phép và đây chính là thử thách mà xác suất doanh nghiệp khởi nghiệp “chết rất cao”. Nên xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, bỏ bớt 1 số rào cản pháp luật. Nhà nước có thể quy định chính sách sản phẩm khởi nghiệp, trước mắt chỉ cần đạt nội dung về tính an toàn và hiệu quả. Nên chăng Coopmart, Vingroup... có gian hàng riêng để giúp sản phẩm khởi nghiệp ra thị trường.
Hiện TPHCM có chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng thiếu chính sách để hỗ trợ đưa sản phẩm đó ra thị trường. Vì vậy, dù có sản phẩm tốt cho xã hội nhưng chưa bán hàng được. Đó là trường hợp của anh Hà Văn Lộc với 3 loại sản phẩm từ ngãi cứu để sản xuất ra nhang đuổi muỗi, nhang lọc không khí và nhang giúp trị viêm xoang. Những loại nhang này không dùng hóa chất làm keo để kết dính, đã được 3 nhà đầu tư đề nghị mua đứt bản quyền hoặc hỗ trợ phân phối theo những điều kiện ngặt nghèo nên anh Lộc chưa vội vàng hợp tác mà chỉ muốn tự bán hàng qua online.
Những nhà khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp cũng cho rằng, thời gian qua lĩnh vực thị trường là “con số không” khi chưa có sự hỗ trợ cần thiết. Để sản phẩm khởi nghiệp ra được thị trường cần tư vấn tài chính, lượng giá đầu tư, tính toán được dòng tiền luân chuyển và khi nào tiền quay về... Đây là những cái còn thiếu mà trước đó doanh nghiệp khởi nghiệp tự bơi. Nếu kết nối được giữa doanh nghiệp khởi nghiệp với nhà phân phối, khi đó xác suất thành công sẽ nhiều hơn.
Theo ông Từ Minh Thiện, 3 yếu tố hạn chế của DN khởi nghiệp là vốn, đầu ra và quản lý. Đây sẽ là những điểm mà TPHCM sẽ tìm cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm có thể đưa sản phẩm ra thị trường, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vốn gặp nhiều gian nan thời gian đầu.
Nội dung thi: Trình bày ý tưởng, sản phẩm, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến và quản lý sáng tạo (vòng sơ tuyển). Chứng minh tính khả thi về mặt kỹ thuật và lợi ích kinh tế (Vòng bán kết). Kế hoạch kinh doanh (Vòng chung kết). |