Startup sinh viên - tại sao không?
Là một trong những startup đầu tiên kể từ khi Hệ sinh thái khởi nghiệp thuộc Khu Công nghệ phần mềm - Đại học Quốc gia TPHCM (ITP) được thành lập, MagikLab trở thành điển hình startup của sinh viên trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều bạn trẻ đã bắt đầu dự án khởi nghiệp và bắt đầu tạo được doanh thu cho chính mình cũng như trả lương cho các sinh viên thực tập khác.
MagikLab do 3 đồng sáng lập là Nguyễn Hồng Điệp (cựu sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên), Phạm Minh Khắc (Học viện Bưu chính Viễn thông) và Hoàng Ngọc Hải (ĐH Mở TPHCM). Với các dự án đang triển khai như lập trình game mobile, ứng dụng game và đặc biệt là dự án MVPFirst dùng hỗ trợ các startup công nghệ làm các sản phẩm ứng dụng nhanh ra thị trường kết hợp với mô hình hoạt động startup in startup, MagikLab đã thu hút hơn 100 sinh viên/năm tham gia.
Các bạn trẻ tham gia dự án startup MagikLab tại ITP
Nhân lực của MagikLab có tới 60% là sinh viên. Hiện tại, MagikLab chia thành 5 team (nhóm). “Mỗi team mất khoảng 2 năm để có thể hoạt động độc lập. Hiện tại mỗi team có thu nhập từ 1.000 - 3.000 USD/tháng. Từ khi MagikLab tách ra thành các startup con, các bạn sinh viên được tự phân chia quyền lợi theo cổ phần. Sắp tới, chúng tôi muốn tạo thêm nhiều team mới với định hướng tới năm 2022 sẽ có khoảng 22 startup con của MagikLab do sinh viên điều hành”, bạn Nguyễn Hồng Điệp cho biết.
Phát triển kỹ năng
Nhiều sinh viên sau khi ra trường vẫn tiếp tục hành trình khởi nghiệp cùng MagikLab. Tham gia MagikLab từ khi là sinh viên năm 3, bạn Võ Thị Ngọc Trinh hiện là thành viên của startup con Anttizen thuộc MagikLab. Trước đó, khi còn học năm 1, Ngọc Trinh đã tự trang trải cuộc sống bằng một số công việc làm thêm. Khi lên năm 3, Ngọc Trinh biết đến dự án của MagikLab và tham gia khâu tổ chức sự kiện, viết nội dung, nhân sự...
“Với những sinh viên có “máu” khởi nghiệp thì ITP là môi trường rất tốt để trải nghiệm, học hỏi nhiều kỹ năng. Hoạt động đến một mức nào đó, các thành viên có thể tách ra làm dự án và hoạt động riêng”, Ngọc Trinh cho hay.
Còn bạn Nguyễn Văn Hướng, trưởng nhóm SkyX thuộc MagikLab đã sáng lập phần mềm Hello lingo (mạng xã hội kết nối người học tiếng Anh) với hơn 100.000 người sử dụng trên toàn cầu. Hướng tham gia dự án khởi nghiệp tại ITP từ khi là sinh viên năm 2. Hiện tại, Hướng tiếp tục điều hành nhóm SkyX. Sau 2 năm phát triển sản phẩm, đến tháng 8-2017, SkyX đã hoàn toàn tự chủ về tài chính với những định hướng rõ ràng.
Sau 3 lần khởi nghiệp sinh viên thất bại, Nguyễn Xuân Bằng (cựu sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM) vẫn nuôi khao khát khởi nghiệp bằng việc đi học “kỹ năng khởi nghiệp” ở nước ngoài. Về nước, Bằng và người bạn học Tấn Phúc đi sâu vào lĩnh vực thương mại điện tử, cho ra đời Gcalls.
Được xây dựng như một tổng đài thông minh, Gcalls cho phép doanh nghiệp tiếp cận lao động nhàn rỗi trở thành nhân viên chăm sóc khách hàng trong hệ thống. Dự án G-Call có lượng khách hàng tập trung tại thị trường Việt Nam và một số nước như Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia… Hiện tại Công ty CP Gcalls có 23 thành viên, trong đó có 16 bạn là sinh viên đến từ các trường đại học.
Các thành viên của Gcalls
Thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp
MagikLab (lập trình game mobile, ứng dụng game, các sản phẩm ứng dụng nhanh…), Gcalls (kết nối nhà bán lẻ thương mại điện tử và người mua), Umind (trợ lý ảo trên điện thoại), Eagle Eyes (xử lý và nhận dạng hình ảnh nhằm nhận dạng các chủng loại xe hơi), Fuky Studio (phát triển sản phẩm game mobile trên Android, iOS, WindowPhone), HSS Software, Everybody can learn… chính là những dự án khởi nghiệp sinh viên được đánh giá cao tại hệ sinh thái khởi nghiệp ITP.
Các thành viên của Startup Eagle Egg nhận gói hỗ trợ từ đại diện ITP
Anh Lê Nhật Quang, Trưởng phòng Marketing ITP, cho biết ITP hướng tới xây dựng hệ sinh thái chứ không chỉ là vườn ươm thông thường. Khác với những vườn ươm khác, ITP xác định tập trung vào các giai đoạn dưới của startup là giai đoạn truyền cảm hứng và tạo môi trường để các bạn sinh viên trải nghiệm.
Với giai đoạn truyền cảm hứng, anh Quang cho biết từ năm 2015, ITP đã tổ chức nhiều chương trình khởi nghiệp khơi nguồn ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên. Sau các cuộc thi, nếu sinh viên đoạt giải và muốn tiếp tục phát triển dự án sẽ được doanh nghiệp đầu tư vốn mầm, hoặc được hỗ trợ một phần vốn để làm sản phẩm. ITP hỗ trợ tiếp chương trình tăng tốc khởi nghiệp để huấn luyện sâu và kỹ hơn về kiến thức, công cụ. Khi bước lên giai đoạn startup, các sinh viên có thể hình thành nhóm thực sự để kêu gọi đầu tư.
ITP tại vị trí Khu I nhìn từ trên cao
PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết hiện ITP đã thu hút trên 40 đơn vị khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu như các dự án nào cũng có sinh viên tham gia. Một năm có khoảng 300 sinh viên thực tập dài hạn tại ITP. Trong số đó, sinh viên sáng lập và đồng sáng lập các startup chiếm gần 10%. Đến năm 2020, ITP kỳ vọng sẽ quy tụ 100 công ty, tạo được 2.000 việc làm và hơn 2.000 sinh viên làm việc.
PGS-TS Nguyễn Anh Thi nhận định: “Để thực hiện được mục tiêu quốc gia khởi nghiệp, chúng ta phải xây dựng được nền móng vững chắc cho người trẻ ngay từ ghế giảng đường với tư duy khởi nghiệp, tư duy tạo ra giá trị mới. Đào tạo về tư duy khởi nghiệp thì nên đào tạo đại trà cho tất cả sinh viên, thậm chí là học sinh, dù thực tế không phải sinh viên nào có tư duy khởi nghiệp đều trở thành doanh nhân khởi nghiệp”.
ITP được thành lập từ năm 2003. Đến năm 2013 -2014, ITP đã tái cấu trúc, phát triển theo mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng đến xây dựng trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông tại Việt Nam.