Khởi nghiệp từ 3 giống nho
Gần đây, nhiều người truyền tai nhau về vườn nho Bảy Thiết (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) đang mở cửa đón khách tham quan. Hai cô gái Trần Thị Diễm (29 tuổi) và Trần Thị Thúy (25 tuổi) đã mang đến trải nghiệm độc lạ cho du khách gần xa.
Ông Bảy Thiết là chủ vườn nho, cho biết: “Tôi không nghĩ giống nho này lại phát triển tốt tại vùng đất phù sa ven biển Thạnh Hải. Ban đầu chỉ là ý tưởng của 2 đứa con gái tôi, lúc đó chúng chỉ có ý định trồng chơi, làm cảnh với 1 gốc được mua từ tỉnh Ninh Thuận trong chuyến đi du lịch. Nhưng không ngờ, vài tháng sau, cây nho phát triển tốt và có trái liên tục nên gia đình bỏ công chăm sóc rồi mở điểm du lịch cho khách đến tham quan như hiện nay”.
Bật mí thêm về ý tưởng trồng nho khởi nghiệp, chị Trần Thị Thúy bộc bạch: “Cả 2 chị em đều có chung sở thích là sưu tầm các loại cây trái. Trong lần đi du lịch, được một người bạn ở Ninh Thuận tặng cho một cây nho giống mang về trồng trong khuôn viên nhà. Sau 6 tháng, cây nho phát triển và cho trái khá nhiều nên 2 chị em quyết định mua thêm giống, mang về trồng. Hiện trong vườn có gần 50 gốc nho. Trong đó có 3 loại giống chủ yếu là nho đỏ, nho xanh và nho hồng ngọc”. Chị Thúy bật mí, ban đầu trồng chơi, nhưng hiệu quả mang lại khá bất ngờ nên 2 chị em đang làm hồ sơ đăng ký làm dự án khởi nghiệp thanh niên của tỉnh.
Khi vườn nho cho trái nhiều, thì từ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, 2 chị em quyết định mở cửa cho khách đến tham quan, với chi phí là 15.000 đồng/người. Những ngày thứ bảy, chủ nhật có khoảng 200 lượt khách, chủ yếu là khách đoàn đến. Do gần với khu du lịch Cồn Bửng nên khách vừa đến tắm biển, vừa tiện việc tham quan vườn nho.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, 2 chị em đã làm mới sản phẩm du lịch bằng cách chế biến nhiều món ăn từ nho như mật nho, mứt nho, đá bào mật nho… phục vụ du khách. Chị Thúy nói, món đá bào mật nho cũng bình dân, có giá 15.000 đồng/ly nhưng sự kết hợp với mật nho tạo nên một hương vị khác với đá bào truyền thống, vì vậy các bạn trẻ rất thích thú, thường đến để thưởng thức rất đông, đa phần là học sinh, thanh niên.
Tiếp tục mở rộng, khai thác du lịch
Chị Thúy cho biết, vườn nho bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế đang kể, nên gia đình đang mở rộng thêm diện tích trồng nho. Theo kinh nghiệm cũng như tìm hiểu của chị Thúy về sự thích nghi của các giống nho, nếu nho trồng ở đồng bằng trên vùng đất phù sa thì cây phát triển tốt không thua gì ở Ninh Thuận; đặc biệt là nho sẽ ngọt hơn bởi điều kiện thổ nhưỡng ở đồng bằng màu mỡ hơn. “Đây chỉ là nhận định ban đầu của em chứ chưa có chứng minh khoa học, nhưng hiện nho trong vườn có độ đường đo được cao hơn so với nho Ninh Thuận”, chị Thúy chia sẻ. Hiện gia đình đã trồng trên 200 gốc nho, khoảng 6 tháng nữa là có thể cho trái. Trong 200 gốc nho này, ngoài 3 giống hiện có trong vườn, sẽ bổ sung thêm một giống mới là nho hạ đen, nhằm đa dạng hóa giống nho và mang lại cho du khách sự trải nghiệm thú vị. Định hướng thời gian tới của chị Thúy là khi vườn nho được mở rộng, du khách có thể tận tay hái nho mang về làm quà cho gia đình.
Một nhóm du khách trẻ đang sinh sống ở TPHCM lần đầu đến tham quan vườn nho cảm nhận: “Trước giờ, tụi em có đi tham quan vườn nho ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, nhưng nay đi tham quan vườn nho ở xã biển Thạnh Hải này cũng khá thú vị. Vườn nho trái sum suê, nho cũng có vị chua ngọt không khác gì ở Ninh Thuận; đặc biệt là có món đá bào mật nho, lần đầu được ăn thấy rất ngon. Chúng em sẽ đến lần nữa để tham quan khi vườn nho 200 gốc bắt đầu cho trái”.
Theo chủ vườn nho, ngoài tham quan thì du khách còn có thể mua cây nho giống về trồng và được hướng dẫn kỹ thuật trồng. Vì vậy, mấy giống nho gia đình lấy về không đủ bán, tính từ tết đến nay, gia đình bán được hơn 200 gốc nho giống, mỗi gốc chỉ 50.000 đồng. Còn chị Phạm Thị Hương (quê ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) nói: “Trước giờ chỉ nghĩ ở Ninh Thuận mới có vườn nho, nhưng giờ quê hương mình cũng có, thấy bất ngờ, thú vị lắm”.
Có thể thấy, ý tưởng khởi nghiệp bằng cách trồng nho để làm du lịch của 2 cô gái Trần Thị Diễm và Trần Thị Thúy sẽ góp phần cùng huyện nhà tạo nên những sản phẩm du lịch khác biệt, phù hợp với mục tiêu mà tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đề ra là phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Theo Bí thư Huyện ủy Thạnh Phú Lê Văn Khê, thời gian qua, huyện tập trung xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch như sinh thái cộng đồng, văn hóa, lịch sử, tâm linh; mô hình homestay, tham quan vườn trái cây và du lịch gắn với ngư nghiệp… Đặc biệt là phát triển sản phẩm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp. Đây là hướng đi mới, bền vững cho ngành du lịch huyện.