Đánh thức đặc sản địa phương
Bỏ lại thành phố Hà Giang bình yên nơi địa đầu Tổ quốc, từ Km 0 của Quốc lộ 2, chúng tôi bắt đầu chinh phục con đường Hạnh Phúc xuyên cao nguyên đá Đồng Văn. Sau gần 20km đường khá bằng phẳng, chúng tôi bắt đầu vượt đèo Pắc Sum quanh co qua những vách núi tai mèo dựng đứng, chênh vênh bên vực sâu hun hút.
Đèo Pắc Sum được xem là cửa ngõ dẫn vào cao nguyên đá và là điểm đầu tiên dẫn vào Công viên địa chất toàn cầu bao gồm 4 huyện vùng cao, núi đá hiểm trở nhất là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Vượt thêm mấy con dốc lò xo và những khúc cua tay áo thót tim, chúng tôi vượt qua cổng trời Quản Bạ, nơi có độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển để tới thị trấn Tam Sơn, trung tâm của huyện Quản Bạ. Mặc dù chỉ là thị trấn miền núi, nhưng Tam Sơn lại sầm uất không kém dưới xuôi với những ngôi nhà 2 tầng, 3 tầng, biệt thự mọc lên san sát kéo dài đến tận chân núi.
Đón chúng tôi tại miền biên ải khắc nghiệt này, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Quản Bạ, ông Giàng Cồ Diu, một người Mông chính gốc, bày tỏ vui mừng, tự hào khoe: “Không chỉ Quản Bạ mà Đồng Văn, Mèo Mạc đang thay da đổi thịt nhiều lắm. Bà con các dân tộc ở vùng cao núi đá nơi đây đang đua nhau làm kinh tế để thoát đói nghèo”.
Đặc biệt, luồng gió khởi nghiệp đã thổi lên tới tận cổng trời cực Bắc của Tổ quốc, khi rất nhiều đảng viên, thanh niên Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc đã dám nghĩ, dám làm với nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh bằng chính các thế mạnh và đặc sản của địa phương. Chỉ cách thị trấn Tam Sơn chừng 2km là bản du lịch cộng đồng (homestay) Nậm Đăm yên bình và đẹp như bức tranh thủy mặc. Đây là bản của người Dao với những ngôi nhà trình tường độc đáo được bà con tu sửa, chỉnh trang để làm homestay đón du khách trong và ngoài nước.
Ông Lý Đại Thông, Bí thư kiêm Trưởng bản Nậm Đăm chia sẻ, hiện trong thôn có 11 hộ có nhà đăng ký đón khách du lịch, trong đó có 4 ngôi nhà đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế, cùng với đó là 5 hộ đầu tư phát triển trồng cây dược liệu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Quyết tâm đánh thức tiềm năng, thế mạnh của địa phương thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, anh Lý Tà Rèn (con trai cả của Trưởng bản Lý Đại Thông) đã đứng ra vay vốn của ngân hàng để lập HTX Cộng đồng Nậm Đăm chuyên trồng dược liệu. Anh đã cùng với 22 xã viên góp đất của gia đình cho HTX thuê lại để mở xưởng chiết xuất, điều chế nhiều loại thuốc nam từ cây dược liệu chủ lực của địa phương, như đương quy, atisô, bình vôi... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhớ lại những ngày đầu gian khó khi khởi nghiệp, anh Rèn chia sẻ: “Cuối năm 2014, khi HTX mới đi vào hoạt động, chúng tôi chỉ có hơn 300 triệu đồng tiền vốn cùng khoảng 10ha đất thuê lại của xã viên để trồng cây dược liệu. Tới giữa năm 2015, HTX đã bắt đầu làm ăn có lãi và chúng tôi quyết định mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc thiết bị. Năm 2016 HTX đã đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng và năm 2017 khoảng 1,3 tỷ đồng với lợi nhuận tăng trên 20%. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, mỗi xã viên được trả lương 3-4 triệu đồng, ngoài ra mỗi người vào cuối năm còn được trả khoản tiền khác lớn hơn từ số “cổ phần” góp vốn”.
Mô hình sản xuất mới
Mô hình sản xuất mới
Để có được sự phát triển và lợi nhuận như hiện nay, ông chủ của HTX Nậm Đăm đã phải vắt óc, vất vả lăn lộn khắp nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm. Trước tiên để sản phẩm đạt chất lượng và có uy tín, chàng thanh niên người Dao này đã tìm tới Đại học Dược Hà Nội và nhận được sự giúp đỡ tích cực của PGS.TS Trần Văn Ơn (Trưởng bộ môn Thực vật, Chủ tịch, Giám đốc Công ty DK Pharma, Bộ Y tế) về chuyên môn và quy trình sản xuất. Sản phẩm làm ra, anh Rèn lại tìm hướng liên kết với một số doanh nghiệp dược để tiêu thụ, rồi đích thân mang sản phẩm đi tham gia, giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm nông nghiệp và y dược từ Bắc chí Nam. Nhờ vậy đến nay không chỉ có doanh thu tốt, tăng trưởng mạnh mẽ, sản phẩm của HTX làm ra luôn được tiêu thụ hết.
Chia tay với những hộ trồng dược liệu và làm du lịch cộng đồng tại Nậm Đăm, chúng tôi đến với thôn Dìn Sán, xã Quyết Tiến nằm nay dưới chân cổng trời Quản Bạ. Vượt qua một quả núi, chúng tôi đã tới được trang trại chăn nuôi gia súc của chàng thanh niên người Mông có tên Lò Xín Quân, nằm lọt thỏm giữa thung lũng nhỏ được bao quanh bởi những dãy núi hùng vĩ. Trời rét căm căm nhưng Quân vẫn mồ hôi nhễ nhại sau một vòng mang cỏ và ngô cho đàn bò, hươu trong trang trại rộng tới hơn 500m2.
Chia sẻ với chúng tôi, Lò Xín Quân cho biết do đặc thù địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đất sản xuất nông nghiệp ít nên từ bao đời nay, đồng bào địa phương luôn bị cái đói, cái nghèo đeo bám. Bà con trong thôn, bản cũng chăn nuôi trâu, bò nhưng lại chủ yếu thả rông, cho tự kiếm ăn hoặc theo người lên nương, vào núi kiếm cỏ dại, chưa chú ý tiêm phòng nên hiệu quả không cao.
Với quyết tâm phải thoát khỏi đói nghèo dai dẳng, sau khi đi một số nơi tìm hiểu và học hỏi, Quân nhận thấy mô hình nuôi bò vỗ béo và sinh sản theo hình thức nuôi nhốt trong trang trại sẽ mang lại hiệu quả cao. Hơn nữa ở Quản Bạ lại có nguồn cỏ voi dồi dào, ngoài ra các phụ phẩm nông nghiệp khác như lá ngô, cám ngô… cũng rất nhiều, có thể tận dụng làm thức ăn cho gia súc với chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Sau nhiều đêm trăn trở, bàn bạc với người thân trong gia đình, cuối năm 2015, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Quân quyết định vay ngân hàng 1 tỷ đồng để lập trang trại nuôi bò trên khu đất sản xuất của gia đình.
Với 46 con bò thịt được nuôi ban đầu, sau gần 1 năm, trang trại của Quân đã có thêm 4 chú bê ra đời và gần 10 còn khác cũng sắp đẻ. Trước hiệu quả của việc nuôi bò tập trung trong trang trại, Quân mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng để nuôi thêm 20 con hươu sao sinh sản và trở thành trang trại đầu tiên ở Quản Bạ thí điểm nuôi hươu sao. Sau 2 năm lập trang trại nuôi bò và hươu, chặng đường khởi nghiệp của chàng “Hồ Giáo” nơi cổng trời Quản Bạ đang bước đầu đạt được kết quả tốt đẹp.