Chiều 26-3, tại Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) lần thứ 4. Sự kiện do Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các đơn vị tổ chức.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các quốc gia, các doanh nghiệp và từng cá nhân muốn phát triển phải không ngừng đổi mới, sáng tạo. Tinh thần khởi nghiệp, chủ động tiếp cận với những thay đổi chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra đã trở thành xu thế chung của các quốc gia hiện nay. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới, sáng tạo.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là một nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới, đang từng bước hình thành, chưa đi vào chiều sâu, tổng thể, thống nhất từ trên xuống dưới, cơ chế chính sách còn một số bất cập. Quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế. Số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, ngay cả trong thế hệ trẻ. Sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp còn hạn chế, còn khoảng cách, rời rạc, chia cắt, manh mún. Giáo dục đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng, sáng tạo, khát vọng, tầm nhìn, chưa chú trọng phát huy năng lực đặc thù của từng HSSV của từng vùng, miền khác nhau.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng về phong trào khởi nghiệp trong sinh viên không ngừng lan tỏa; các cơ sở giáo dục, đào tạo ngày càng quan tâm tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng bày tỏ rất ấn tượng với Dự án “Chuỗi cung ứng và kinh doanh các sản phẩm từ củ Hoàng Sin Cô bản địa” (của em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 12D1, Trường THPT số 1 TP Lào Cai). Dự án sử dụng ngay những sản phẩm sạch, an toàn tại Lào Cai phân phối đến hơn 2.500 học sinh, phụ huynh, giáo viên trong trường và một số nhà hàng, siêu thị địa phương.
“Quan trọng là các bạn, dám nghĩ, dám làm, khai tác, tận dụng nguyên liệu sẵn có, phục vụ tại chỗ, ngay tại quê hương mình. Đó là tinh thần tự lực, tự cường từ những gì mình có”, Thủ tướng nêu.
Để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, Thủ tướng đề nghị phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào.
Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy. Phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Nhà trường và các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền lửa để HSSV xác định rõ mục tiêu, mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường, thay đổi cuộc sống khi ra trường thì phải dựa vào đổi mới sáng tạo, dựa vào kiến thức của mình. Đồng thời, khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội.
Với mong muốn thúc đẩy khởi nghiệp trong HSSV và thế hệ trẻ, Thủ tướng cho rằng cần sớm khắc phục những tư duy, cách nghĩ không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nói chung và tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng.
Đó là tâm lý “tiểu nông”; nếp nghĩ theo kinh nghiệm, ngại thay đổi; không dám thể hiện chính kiến; thụ động, “an phận thủ thường”; cục bộ, địa phương, dòng họ; tâm lý bình quân chủ nghĩa “xấu đều hơn tốt lỏi”, “đèn nhà ai nhà ấy rạng”; tùy tiện, ý thức kỷ luật kém. “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro, rủi ro lớn nhất là không biết chấp nhận rủi ro, chưa làm đã sợ thất bại, chưa thất bại đã không dám làm, phải hết sức tránh tư tưởng này, như thế mới đổi mới sáng tạo được”, Thủ tướng chỉ rõ.
Bên cạnh đó, cần phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo. (môi trường pháp lý, ưu đãi, bố trí nguồn vốn, khuyến khích. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo trong tất cả bộ, ban, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý quy định về hướng nghiệp khởi nghiệp; đề xuất với Chính phủ và các cơ quan liên quan các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy HSSV, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp.
Thủ tướng cũng cho rằng, muốn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có chính quyền đổi mới sáng tạo, xã hội đổi mới sáng tạo, giáo dục đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, con người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với rủi ro vì lợi ích chung.
“Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất nếu các bạn dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám khởi nghiệp. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, bằng sức trẻ, một ngày không xa các bạn sẽ tạo ra những giá trị to lớn cho không chỉ Việt Nam mà cho cả thế giới”, Thủ tướng nhắn nhủ các bạn trẻ.