Khai thác hiệu quả nguồn lực KH-CN
Tại Techfest năm 2019, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cho biết, vai trò chiến lược và trọng yếu của phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đã được quán triệt trong rất nhiều nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 05-NQ/TW về chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và gần đây nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
“Qua Techfesh 2019 và thông qua việc cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, triết lý về xây dựng lòng tin để cùng phát triển sẽ được cộng hưởng và đồng hành trong những bước đi tiếp theo. Trên cơ sở đó, chúng ta cùng thống nhất về triết lý và tư duy, tầm nhìn và tiến tới hành động; đặc biệt là trong khai thác, liên kết, thu hút và vận dụng có hiệu quả nguồn lực của KH-CN, của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, của sức mạnh tri thức và con người”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.
Dần đi vào chiều sâu
Sau hơn 3 năm triển khai, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã hình thành được hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Các chính sách thí điểm cũng đang được các bộ ngành tích cực xây dựng, triển khai như: sandbox trong lĩnh vực fintech, trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đưa startup tham gia các chương trình huấn luyện tại nước ngoài…
Tiếp theo, hệ thống các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi cả nước, có sự phát triển nhanh về mặt số lượng với 23 tổ chức thúc đẩy kinh doanh lớn trên thế giới đã vào Việt Nam như 500 startups, 38 vườn ươm khởi nghiệp và đặc biệt là trên 170 khu làm việc chung với những thương hiệu đang mở rộng ra thị trường quốc tế. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia cũng thúc đẩy các trường đại học hình thành những trung tâm ĐMST, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đặc biệt là một số trường đã đưa môn học về khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình chính thức. Năm 2019 cũng có 61 quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo hiện diện tại Việt Nam; trong đó, các quỹ đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore chiếm đa số.
Ở trong nước, các quỹ đầu tư cũng được thành lập, đưa thêm nguồn lực mới vào hệ sinh thái, như Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech City) và Next100.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét: “Năm 2019, Việt Nam đã có bước tiến rất dài phát triển về khởi nghiệp ĐMST, đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức... Song cần nhìn nhận, dù các startup có điểm riêng nhưng không thể tách khỏi sự phát triển chung của đất nước, với các tiêu chí chung của đất nước… Do đó, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc kết nối các lĩnh vực từ công nghệ, con người; đặc biệt, trong điều kiện đất nước đang phát triển như Việt Nam là rất bức thiết. Để không lỡ “con tàu” cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải có cách làm mới, khác biệt và sáng tạo”.
Theo báo cáo của ES Capital và Cento Ventures, Việt Nam đang đứng thứ 3/6 quốc gia ASEAN về hệ sinh thái khởi nghiệp, sau Indonesia và Singapore. Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục tăng, từ vị trí thứ 59 (năm 2017) lên vị trí 47 (năm 2018) và 45 (năm 2019) trong số 129 nền kinh tế được xếp hạng trên thế giới. Trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ là 751 triệu USD. Đặc biệt, có những thương vụ quy mô rất lớn như thương vụ đầu tư vào VNLIFE, công ty mẹ của giải pháp thanh toán VNPAY lên tới 300 triệu USD, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á. Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng, cho thấy tiềm năng hình thành các “kỳ lân mới - các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD tại Việt Nam” là rất thực tế. |