Ngày 14-11, tại Hà Nội đã khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Việt Nam 2017 (TechFest 2017) với chủ đề “Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, hoạt động này được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức và được xem là hoạt động khởi nghiệp lớn nhất hàng năm.
Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ KH-CN, nhiều bộ, ngành và đông đảo các đại sứ quán, tổ chức quốc tế cùng các tổ chức khởi nghiệp, các startup và những nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dương cao ngọn đuốc tượng trưng cho sự kết nối hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Ảnh: TRẦN BÌNH
Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Việt Nam 2017 được tổ chức với quy mô lớn hơn so với năm 2016, cùng sự tham gia của nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong 6 lĩnh vực tiềm năng là: cộng đồng tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, du lịch và dịch vụ ẩm thực, y tế, công nghệ mới. Đây là những lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng được các nhà đầu tư quan tâm và cũng là lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên phát triển để phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
Toàn cảnh phiên khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 tại Hà Nội. Ảnh: TRẦN BÌNH
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành lời cảm ơn tới các startup, các nhà đầu tư đến từ các quốc gia đã quan tâm, ủng hộ cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Điểm lại 10 mong muốn mà các bạn startup đã chia sẻ với Phó Thủ tướng vào Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Việt Nam 2016, trong đó có việc xây dựng cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, sở hữu trí tuệ, không gian làm việc chung… Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành cơ chế chính sách đã có những việc làm rất tốt và cụ thể nhưng nhiều việc thì cũng mới chỉ là ban đầu. Trong đó, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa nhỏ có một điều về hỗ trợ startup là một bước tiến quan trọng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng bước tiếp theo cần văn bản hướng dẫn cụ thể. Như trong Luật thuế mới bắt đầu đưa dần ý tưởng nhưng cũng cần cụ thể hơn. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Làm sao để khởi nghiệp ĐMST không thành phong trào vụt lên rồi bẵng đi mà phải liên tục và dài hơi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn câu nói “Nếu muốn có thể đi nhanh có thể đi một mình nhưng nếu muốn đi xa thì không thể độc hành” và mong muốn cộng đồng doanh nghiệp startup, nhà đầu tư và nhà nghiên cứu phải lớn mạnh lên.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh dẫn nhiều con số cho thấy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Theo đó, lần đầu tổ chức vào năm 2015, Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Việt Nam thu hút được hơn 1.000 lượt khách tham dự, trong đó có hơn 50 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ sở ươm tạo danh tiếng trong nước và quốc tế, hơn 50 doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Việt Nam năm 2016 được tổ chức với quy mô lớn hơn, gấp đôi cả về số cá nhân và quỹ đầu tư tham gia.
“Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Việt Nam 2017 dự kiến sẽ thu hút từ 4.000 đến 4.500 người tham dự, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 80 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tê lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Quy mô ngày càng lớn của sự kiện đã chứng tỏ Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đã thực sự trờ thành ngày hội và mang đến những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư, quỹ dầu tư và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ ngành tham quan, nghe giới thiệu về dự án thiết bị bay siêu nhẹ ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: TRẦN BÌNH
Với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối triển khai Đề án Hỗ trợ Phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia đến năm 2025 theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 844), trong 1 năm qua, Bộ KH-CN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương và địa phương để cùng thúc đẩy sự phát triển của phong trào khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, khó khăn vẫn còn nhiều ở phía trước vì Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư cho giáo dục khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học thấp, nguồn lực đầu tư giáo dục khởi nghiệp ĐMST, cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ... còn hạn chế. Vì vậy, chỉ khi có sự chung tay của các bộ ngành, các tổ chức, nhà đầu tư và sự nỗ lực của các startup, thì hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam mới có thể phát triển sôi động, mạnh mẽ và mang lại những giá trị, hiệu quả tích cực cho nền kinh tế - xã hội của đất nước.
Một nhóm các bạn trẻ đang tìm hiểu mô hình đào tạo và mạng lưới kết nối du học tại Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Việt Nam 2017. Ảnh: TRẦN BÌNH
Cũng trong khuôn khổ của lễ khai mạc, Bộ KH-CN đã ra mắt Cổng Thông tin khởi nghiệp ĐMST Quốc gia tại địa chỉ http://startup.gov.vn. Đây sẽ là nơi cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các hoạt động khởi nghiệp ĐMST và là cầu nối hữu ích để bạn trẻ tìm kiếm cơ hội tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp, chia sẻ các tấm gương khởi nghiệp trên khắp cả nước.
Sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Việt Nam 2017 diễn ra liên tục trong 2 ngày với nhiều hoạt động quan trọng như: chuỗi hội thảo chuyên sâu về ĐMST; kết nối đầu tư giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST; triển lãm sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới của các làng khởi nghiệp; lễ tôn vinh doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST…
Trong năm 2016 và 2017, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam diễn ra rất sôi động. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến hơn 50 triệu USD (Momo - 28 triệu USD, F88 - 10 triệu USD, Got It! - hơn 9 triệu USD, Vntrip.vn - 3 triệu USD, Toong- 1 triệu USD). Mới nhất là doanh nghiệp Foody, mạng xã hội về ẩm thực, đã được SEA mua lại hơn 82% cổ phần với giá hơn 64 triệu USD, được coi là khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 tính đến thời điểm hiện tại.
Những dòng tiền lớn đã và đang chảy vào startup Việt. Hơn 900 dự án khởi nghiệp được ươm tạo với 300 sản phẩm khởi nghiệp đã được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. Hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam, điển hình là IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 Startups,... tăng khoảng 30% so với năm 2016. Hiện tại đã có 24 cơ sở ươm tạo (BI), 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA). Nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như: Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam...