Trong suốt thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, các tác phẩm văn học ẩm thực xuất hiện không nhiều, điển hình có thể kể đến các tùy bút ẩm thực của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Băng Sơn... Tại Việt Nam, nơi có truyền thống ẩm thực lâu đời với hơn 3.000 món ăn rải rác khắp mọi miền, thì ẩm thực là một phần quan trọng của văn hóa. Chính vì vậy, các tùy bút ẩm thực đã xuất hiện đến gần một thế kỷ và hôm nay cũng đã có thêm những nhà văn nối tiếp dòng văn học độc đáo này.
Cuốn Mùi của ký ức của nhà văn Nguyễn Quang Thiều gồm 18 tùy bút là tập hợp của những hồi ức da diết về làng Chùa và những món ăn của làng. Tác giả chia sẻ rằng: “Tôi viết cuốn sách này để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ tôi và những người làng Chùa đã khuất. Suốt trong những năm tháng ấu thơ cho đến khi rời làng đi học xa, cũng như những đứa trẻ trong làng, tôi lớn lên trong hai thế giới: Thiên nhiên hoang dã và lề thói phong kiến… Từ lúc lên năm, sáu tuổi, chúng tôi đã phải nấu ăn. Bởi thế, tất cả những món ăn của người làng Chùa tôi đều biết cách nấu như mổ lợn, mổ gà vịt, gói giò xào, nấu thịt đông, nấu canh cua canh cá, kho cá, nướng cá, làm tương, muối cà, đồ xôi, làm bánh...”.
Những hồi ức trong sách, vì thế đều gắn những món ăn với người mẹ, người cha, người bà, và cả những cư dân làng Chùa nay đã thành người thiên cổ. Nhà văn dẫn độc giả ngược dòng ký ức trở về với những cánh đồng xứ Bắc khi rau khúc vào mùa, đến mùa hoa cải vàng với món canh cua trứ danh… Mùi của ký ức mở ra một không gian mênh mang hoang dã và đầm ấm, qua lời kể da diết và điềm tĩnh của người đàn ông đã đi quá nửa đời người, trong ấy là nỗi xót xa khi thiên nhiên bị tàn phá, khi con người ngày càng ưa chuộng những xã giao hiện đại mà mất dần tính kết nối giữa người với người, với thiên nhiên tinh khiết, và không thể không thôi hoài niệm về những ký ức yêu thương.
Dưới góc nhìn của người trẻ, Di Li cùng lúc ra bộ đôi tùy bút ẩm thực Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa và Nửa vòng Trái đất uống một ly trà lại mang phong cách khác hẳn văn phong ẩm thực của các thế hệ đi trước. Không chỉ món ăn phở Thành Nam, lang thang quà vặt Sài Gòn, hàng bánh cuốn vùng biên giới, hay bún chả, bánh mì, quẩy nóng, mì vằn thắn, chè bà cốt… mà xa hơn, trên đường thiên lý qua hàng trăm thành phố khắp các lục địa Âu, Á, Phi, nhà văn đã lưu giữ lại qua vị giác những thước phim tư liệu sống động về các vùng văn hóa thông qua ẩm thực. Không sử dụng những câu từ hoa mỹ, song mỗi món ăn qua lăng kính của các tác giả đều thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, của miền đất mà họ đã gắn bó, đã đến và trải nghiệm.
Đặc biệt, trong suốt tháng 11-2019, cũng tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), sẽ trưng bày hơn 20 tranh minh họa trong 3 cuốn sách ẩm thực do họa sĩ Dũng Choai và Lê Thiết Cương thể hiện.