Trong số các kiến nghị cũ chưa được giải quyết có Nghị định 38/2012/NĐ - CP và Thông tư 23/2015/TT - BKHCN.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017 với chủ đề “Cùng nhau tiến về phía trước - khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu” đã chính thức khai mạc sáng nay, 16-6, tại Hà Nội.
Trước đó, VBF cuối năm 2016 cũng đã chọn chủ đề tương tự. Đó là “Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”. Điều này cho thấy mong muốn “hòa nhập” thực sự vào nền kinh tế nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều kiến nghị cũ của cộng đồng doanh nghiệp từ diễn đàn trước vẫn chưa được giải quyết. Trong số này có Nghị định 38/2012/NĐ - CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm và nhiều quy định cụ thể về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho lao động người nước ngoài và Thông tư 23/2015/TT - BKHCN (về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng)...
Theo ông Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), các doanh nghiệp đều hiểu mục đích của quy định hạn chế nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng kém chất lượng, nhưng do môi trường sử dụng hay số năm sử dụng theo mật độ khác nhau, dù cùng máy móc thiết bị, nên việc hạn chế nhập khẩu theo số năm của máy móc, thiết bị không phù hợp với thực tế.
Còn Nghị định 38/2012/NĐ - CP thì bị cho là có quy định trái với Luật An toàn thực phẩm khi yêu cầu đăng ký bản Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho cơ quan quản lý.
Trong số các kiến nghị mà các hiệp hội doanh nghiệp gửi tới VBF giữa kỳ 2017, đáng lưu ý là kiến nghị ban hành quy định pháp luật mới liên quan đến hoạt động kinh doanh và phân phối của nhà đầu tư nước ngoài, thay cho Nghị định 23/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại không còn phù hợp; đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa chế độ kế toán Việt Nam với Tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế; mở rộng diện doanh nghiệp thực hiện quy định về báo cáo và kiểm toán bắt buộc theo Chế độ Kiểm toán Việt Nam; ban hành Danh mục Dự án bất động sản không cho phép nước ngoài sở hữu.
Thậm chí, có một kiến nghị “lạ”, nhưng không phải không có cơ sở như, thống nhất cách hiểu về “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”...
Phát biểu tại đây, TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng khối doanh nghiệp FDI hiện đang hoạt động hiệu quả bởi nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, tuy nhiên sức lan toả và đóng góp của khối này chưa tương xứng vào sự phát triển kinh tế so với những ưu đãi nhận được.
Ông Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch VCCI dẫn chứng: “Điều này được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực công nghệ cao. Trong các dự án FDI hiện nay, có 80% là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100%, trong đó doanh nghiệp liên doanh chỉ chiếm ¼. Đây là con số cực kỳ khiêm tốn”.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, khảo sát do VCCI tiến hành cho thấy, những doanh nghiệp FDI thường có xu hướng nhập khẩu nguyên vật liệu của mình theo “ngành dọc”. Việc marketing và cung cấp thông tin kết nối cũng như việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ chưa được chú trọng đúng mức.
“Những tìm hiểu và khảo sát của chúng tôi chỉ ra rằng, có ba nguyên nhân chủ yếu tạo ra khoảng cách giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Vấn đề thứ nhất là chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo, từ đó dẫn đến vấn đề thứ hai là trình độ công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài và vấn đề thứ ba là về khoảng cách địa lý”, ông Vũ Tiến Lộc bình luận.
Người đứng đầu VCCI kiến nghị, để thu hẹp trình độ của doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp FDI, cần có sự gắn kết chặt chẽ và sự chia sẻ công nghệ, không có sự giấu giếm và tận tâm trong việc chuyển giao công nghệ, và xây dựng chuỗi giá trị cung ứng, có sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Đồng thời, cũng cần có quy hoạch trong việc xây dựng khu công nghiệp và thể chế dành cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng những yếu tố tạo ra kết nối giữa các hai khu công nghiệp này.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham), Chủ tịch Amcham, ông Jonathan Moreno cho biết, AmCham hoàn toàn ủng hộ cam kết của Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này tăng cường tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay trong năm 2017, AmCham sẽ mở rộng chương trình Ngày hội các Nhà Cung cấp đem đến cơ hội gặp gỡ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam để tìm hiểu và thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh.