Đa dạng sản phẩm, phân khúc giá
Sở Công thương TPHCM cho biết, chuẩn bị cho mùa kinh doanh tết sắp tới, các doanh nghiệp trên địa bàn đã ra mắt lượng lớn bánh, mứt, kẹo, hạt... phục vụ người tiêu dùng. Theo đánh giá của Sở Công thương, các công ty sản xuất bánh kẹo năm nay tiếp tục tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau. Về giá cả, bình quân mỗi hộp bánh, kẹo ở phân khúc bình dân khoảng 200.000 đồng, dòng cao cấp có giá 2.000.000 - 3.000.000 đồng/hộp.
Đáng chú ý, dù ảnh hưởng dịch song các doanh nghiệp vẫn đánh giá tết cổ truyền là văn hóa truyền thống của người Việt nên nhu cầu sẽ không giảm so với năm ngoái. Và ngay từ giữa tháng 11, các doanh nghiệp đã tung ra thị trường sản phẩm tết với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí xuân.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, bánh kẹo cho biết, thời điểm này, lượng hàng bán ra của doanh nghiệp đã bắt đầu sôi động bởi có nhiều cơ quan, đơn vị liên hệ đặt làm quà biếu tặng. Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, BigC, Lotte Mart… bánh kẹo sản xuất trong nước chiếm đến 80% - 90%, đến từ các nhãn hiệu như Kinh Đô, Bibica, Phạm Nguyên…; 20% còn lại là nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản…
Nhìn chung, hàng nội địa năm nay đã có sự cải tiến mẫu mã, chất lượng để cạnh tranh với hàng ngoại. Chẳng hạn Công ty CP Bibica cho biết đã ra mắt bộ sản phẩm bánh Goody có thiết kế sang trọng, thích hợp làm quà biếu; Công ty Mondelez Kinh Đô cũng đưa ra thị trường tết nhiều loại bánh nhãn hiệu Orion, Cosy, Lu, Oreo, Solite, Ritz, AFC... giá cả linh động để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn.
Đặc biệt, ở phân khúc thấp hơn, thị trường bánh kẹo, mứt tết còn có sự góp mặt của nhiều nhãn hiệu trong nước khác như Hải Hà, Hải Châu, Minh Ngọc... Đáng chú ý, mùa tết năm nay cũng đánh dấu sự quay trở lại của Tập đoàn Kido qua các dòng sản phẩm bánh bánh quy kem với 2 hương vị kem vani và kem socola. Đại diện tập đoàn này cho biết, trong tháng 12-2020 sẽ đưa sản phẩm phủ khắp hơn 12.000 điểm bán tại các sạp chợ, tạp hóa đường phố, sau đó tiếp tục mở rộng phân phối trên hệ thống 450.000 điểm bán trên toàn quốc nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Siết chặt quản lý
Bên cạnh nguồn hàng phân phối tại các kênh siêu thị, sản phẩm bánh kẹo cũng được bày bán khá phổ biến ở các cửa hàng, chợ truyền thống và kênh thương mại điện tử. Trong đó, ở các kênh online, sản phẩm cũng được người bán giới thiệu khá bắt mắt với nhiều mức giá khác nhau, phổ biến từ 100.000 - 300.000 đồng/hộp mứt tết; ở các chợ truyền thống như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), An Đông (quận 5), Bến Thành (quận 1)… phần lớn được bán theo ký, đựng trong khay nhựa hoặc bao ni lông, không có thông tin rõ ràng về sản phẩm, cơ sở sản xuất. Để khách hàng yên tâm, người bán cho biết đó là “sản phẩm nhà làm”, hoặc cơ sở nhỏ trong nước sản xuất, tiết kiệm chi phí đóng gói bao bì để giảm giá thành.
Trước tình trạng đó, để đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm, cũng như tạo điều kiện để người dân yên tâm mua sắm tết, gần đây Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương triển khai việc kiểm tra, kiểm soát thị trường từ nay cho đến 25-2-2021.
Theo đó sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, chú trọng các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán như: thực phẩm, bánh kẹo, đường, hoa quả... Theo tinh thần này, lực lượng quản lý thị trường tại TPHCM và các lực lượng chức năng sẽ tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra tại các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại… nhằm kịp thời phát hiện, xử phạt những hành vi kinh doanh sản phẩm nhập lậu, trái phép hoặc không đảm bảo an toàn.
Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, lực lượng quản lý thị trường khuyến cáo: Người tiêu dùng khi mua sắm cần tỉnh táo, tránh mua hàng tại các điểm kinh doanh không uy tín và nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, trường hợp mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có hướng giải quyết.