Sáng 27-3, Bộ KH-ĐT phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1.
Đây là sự kiện được tổ chức trên cơ sở Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” và kết quả triển khai thực hiện 8 giai đoạn của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong suốt 20 năm qua.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4-2003, là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Qua 20 năm, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã hoàn thành 8 giai đoạn, với tổng số 497/594 hạng mục đã hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục trong kế hoạch hành động hai bên thực hiện, có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản vào Việt Nam nói riêng và từ các quốc gia trên thế giới nói chung.
Tính lũy kế đến ngày 20-2-2024, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 5.288 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 74,3 tỷ USD, đóng vai trò to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Riêng 2 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký của Nhật Bản đạt 422,4 triệu USD, tăng 290% so với cùng kỳ. Đây là một tín hiệu rất khả quan cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Hai bên cũng thống nhất thời gian triển khai giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới dự kiến là 19 tháng (từ tháng 3-2024 đến tháng 10-2025). Trong đó, dự kiến có một cuộc họp đánh giá giữa kỳ (vào khoảng tháng 12 năm 2024) và một cuộc họp cấp cao để đánh giá kết quả của việc thực hiện giai đoạn 1 mới vào khoảng tháng 10 năm 2025.
Giai đoạn 1 sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới gồm 5 nhóm vấn đề chính:
(1) Thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á, chuyển đổi xanh (AZEC/ GX).
(2) Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX).
(3) Tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
(4) Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (lĩnh vực IT, AI, chất bán dẫn).
(5) Cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư.