Khoảng 80% cửa hàng, siêu thị kinh doanh trở lại
Còn nhớ nhiều năm về trước, tháng Giêng vẫn được người dân xem là “tháng ăn chơi”. Tại nhiều chợ, tiểu thương đóng cửa sạp gần hết tháng Giêng để thực hiện các tour hành hương đến chùa lễ Phật, cầu cho một năm mới nhiều sức khỏe, “mua may, bán đắt”. Các siêu thị cũng thường nghỉ tết đến hết mùng 3, thậm chí nghỉ đến ngày mùng 8 tết mới mở cửa khai trương.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng “lãng thị” sau tết gần không còn. Tính đến ngày 23-2 (tức mùng 8 tháng Giêng), tại TPHCM hơn 80% cửa hàng, siêu thị hoạt động đều đặn trở lại. Tết năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp, nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tham gia chương trình bình ổn như Co.opmart, cửa hàng Co.op Food, Satramart, SatraFoods… chỉ nghỉ mùng 1 tết, sáng mùng 2 đã mở cửa bán hàng đến 12 giờ trưa. Từ ngày 21-2, (tức mùng 6 tết), hầu hết các cửa hàng, siêu thị hoạt động bình thường trở lại. Cá biệt, Trung tâm Thương mại Aeon và hệ thống siêu thị Lotte, từ nhiều năm qua không còn nghỉ tết, nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, mua sắm của người dân. Bên cạnh đó, các hệ thống cửa hàng tiện lợi như B’s Mart, Circle K, Shop&Go… vẫn mở cửa phục vụ 24/24 giờ, cung ứng đầy đủ các mặt hàng như bia rượu, nước giải khát, bánh mứt, hàng khô…
Tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ của TPHCM, từ sáng mùng 2 tết đã có khá nhiều tiểu thương ngành hàng thực phẩm tươi sống, trái cây bán hàng trở lại. Lượng hàng thực phẩm tươi sống về 3 chợ đầu mối, tính đến nay, đạt khoảng 70% - 80% so với mức bình thường, nhờ mức cầu chung trên thị trường đang tăng trở lại.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù các siêu thị, cửa hàng mở cửa sớm nhưng do ngày nghỉ kéo dài, người dân đi chơi xa nên lượng khách đến mua sắm chưa nhiều. Nhưng theo các đơn vị, sức mua những ngày sau tết tăng tốt hơn so cùng kỳ, tập trung vào các nhóm hàng thực phẩm tươi sống, trái cây, thực phẩm chế biến. Cụ thể, từ mùng 2 đến mùng 6 tết vừa qua, doanh số tại hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.op Food, Co.opXtra, trung bình chung tăng 11%, riêng một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng từ 15% - 25%, cho thấy thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh bắt đầu sôi động, đón lượng lớn người lao động bắt đầu quay lại với công việc.
Doanh nghiệp khởi động sớm
Cùng với kinh doanh, trong lĩnh vực sản xuất, năm nay đa số doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu khai trương vào ngày 21-2 (tức mùng 6 tết) để chọn ngày tốt cho một năm mới, rồi chính thức làm việc vào ngày hôm nay 26-2. Tại các hệ thống siêu thị, nhu cầu đặt mua heo sữa để cúng đầu năm của các doanh nghiệp vào những ngày này tăng vọt. Chị Phương Thảo, kế toán một doanh nghiệp ngành viễn thông, cho biết vì nhiều lý do về an toàn thực phẩm nên lãnh đạo đơn vị yêu cầu phải vào siêu thị đặt heo cúng, thay vì đặt ở các lò heo quay như trước. Có lẽ, nhờ vậy nhu cầu đặt mua heo sữa tại các siêu thị uy tín tăng rất cao so với cùng kỳ.
Ngay sau tết, nhiều doanh nghiệp lớn đã có đơn hàng và hợp đồng xuất khẩu ngay từ đầu năm. Do vậy, để duy trì kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức xe đưa đón và chế độ khen thưởng cho công nhân nhằm đảm bảo tiến độ sản xuất và giao hàng.
Sau tết, nhờ lượng hàng dồi dào, đặc biệt là sự dẫn dắt về giá của các mặt hàng bình ổn nên giá nhiều loại hàng thực phẩm tiếp tục ổn định theo chiều hướng giảm, hàng thủy hải sản ổn định giá.
Riêng giá các mặt hàng trái cây dùng để chưng và cúng sau tết cũng đang trên đà giảm nhiệt. Giá bán xoài cát Hòa Lộc (loại 1) còn mức bình quân từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, thanh long 35.000 - 40.000 đồng/kg, mãng cầu tròn 50.000 - 60.000 đồng/kg, bưởi hồng da xanh 75.0000 - 80.000 đồng/kg, hoa cúc mai 30.000 - 35.000 đồng/bó 5 cành, hoa huệ 80.000 đồng/chục, hoa cát tường 30.000 - 35.000 đồng/bó, hoa vạn thọ 10.000 đồng/cây… Nhiều tiểu thương cho biết, giá bán các loại trái cây trên đã giảm bình quân từ 10.000 - 30.000 đồng/kg nhưng vẫn còn cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với ngày thường trước tết và giá sẽ tiếp tục giảm ngay sau rằm tháng Giêng tới.
Được biết, những năm gần đây sức mua vào dịp tết không tăng đột biến do người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, buộc các chủ kinh doanh phải mở cửa đón khách sớm hơn và đóng cửa trễ hơn, đảm bảo các chi phí trong kinh doanh. Nói cách khác, doanh thu trong mùa kinh doanh tết đã không còn chiếm tới 30% tổng doanh thu trong năm của nhiều đơn vị và có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng “lãng thị” sau tết của giới kinh doanh tại TPHCM không còn phổ biến như trước.
“Năng nhặt, chặt bị” đã trở thành triết lý của các nhà kinh doanh trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn. Điều này đã thúc đẩy thị trường TPHCM và các doanh nghiệp sản xuất sau tết sớm hơn. Họ đã và đang thực sự bước vào “cuộc đua” mới nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm tài chính 2018.