Khởi động phiên đấu thứ 15 của nhà đấu giá Chọn

Thông tin từ nhà đấu giá nghệ thuật Chọn, đơn vị này đang hoàn tất công tác chuẩn bị cho phiên đấu giá nghệ thuật thứ 15, sẽ diễn ra vào ngày 29-7 tới đây tại số 17 Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

Phiên đấu giá 15 mang chủ đề “Những làn gió mới”, nhà đấu giá Chọn giới thiệu đến khách thưởng lãm và giới sưu tập bộ sưu tập gồm 48 tác phầm của những danh họa và họa sĩ Việt Nam nổi tiếng như: Nguyễn Huyến, Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Mai Văn Nam, Trịnh Hữu Ngọc, Phan Thông, Nguyễn Trọng Kiệm, Hoàng Hồng Cẩm, Đào Huy Ngọc, Mai Long, Cần Thư Công, Phạm Lực, Kiều Trí, Nguyễn Trịnh Thái, Lê Trí Dũng, Đặng Xuân Hòa, Đào Thanh Duy, Đặng Phương Việt...

Phiên đấu còn có sự góp mặt của tên tuổi nước ngoài như họa sĩ Oleg Timofeev, với mong muốn cảm nhận “Những làn gió mới”- làn gió bắt nguồn từ những giá trị tiên phong trong nền mỹ thuật, hội họa Việt Nam lan tỏa tới hiện tại- như một tiền đề tạo ra nhiều hơn những không gian, trải nghiệm mới trong nghệ thuật để tất cả mọi người đều được sáng tác, thụ hưởng, trải nghiệm, trao đổi, cảm nhận các tác phẩm hiện đại này.

Khởi động phiên đấu thứ 15 của nhà đấu giá Chọn ảnh 1 Chiều buồn của Trịnh Hữu Ngọc, giá khởi điểm 4.000 USD

Từ dấu ấn năm 1986, từ làn gió đổi mới đến thời đại toàn cầu hóa, đã đánh dấu hàng loạt cú nhảy vọt trên mọi lĩnh vực. Việt Nam vẫn vẹn nguyên bản sắc, tràn đầy sự kiêu hãnh đổi thay giữa những làn gió mới thổi khắp đất nước, từ địa đầu tổ quốc tới mũi Cà Mau, thấm sâu vào tinh thần người dân nước nhà.

Nghệ thuật vốn chứa đựng những tinh hoa cũng hòa vào những dòng chảy mới, đang lan tỏa khắp mọi ngóc ngách trong đời sống xã hội. Việt Nam – miền đất với lịch sử hơn 4.000 năm ẩn tàng những điều kỳ diệu, ngoài sáng tác nghệ thuật thể hiện tinh thần mới, văn hóa và trào lưu mới vẫn không quên gìn giữ, bảo tồn vẻ đẹp từ các tác phẩm chứa đựng những tinh hoa lịch sử, tham chiếu và gắn liền với ngôi trường “Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương” – điểm kết nối văn hóa phương Đông và phương Tây.

Đến với phiên đấu giá “Những làn gió mới”, khách thưởng lãm sẽ được nhìn lại những gương mặt ấn tượng cùng những tác phẩm mang đậm dấu ấn của thời khắc lịch sử, sự tiếp nối, hòa quyện và phát triển đầy sáng tạo.

Nếu như tên tuổi Bùi Xuân Phái gắn liền với những con phố, thì Dương Bích Liên – danh họa thuộc bộ tứ trụ nổi tiếng trong làng hội họa Việt Nam “Nghiêm Liên Sáng Phái” lại đặc biệt thành công với loạt tranh thiếu nữ, như câu mà giới hội họa hay nói “phố Phái, gái Liên”.

Dương Bích Liên (17-7-1924 – 12-12-1988) ông sinh tại Hà Nội trong một gia đình trí thức quan lại, là con trai duy nhất của một quan tri phủ. Quê gốc của ông ở làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

Từ những năm 60 tác phẩm của ông đã nổi tiếng với bố cục lệch, dòng tranh mênh mang như để người xem tự đối thoại với nhiều khoảng trống ẩn dụ nhưng đầy triết lý sâu xa.

Tuy vậy, tranh ông thường hướng tới chủ đề xã hội, rõ ràng, cụ thể nhưng không kém về trữ tình, lãng mạn, điển hình như bức sơn mài nổi tiếng “Buổi chiều vàng” (1954) hay bức sơn dầu cỡ lớn mang tên gọi “Đi học đêm” ra đời năm 1958…

Đặc biệt, tranh thiếu nữ của Dương Bích Liên đều có hình hài, diện mạo rất riêng. Người nào ra người đó, có duyên mà lại khác nhau. Ông thích chọn người có nội tâm, cái nhìn không lộ thần.

Phụ nữ trong tranh Dương Bích Liên biết nói bằng mắt và nói lên giá trị của nó: kín đáo, dung dị và trí thức. Sang mà không lòe loẹt. Đẹp mà không lẳng lơ. Và có người vẫn thường nói trên con đường phiêu lãng tìm cái đẹp, Dương Bích Liên như quên đi cuộc sống thực của mình.

Khởi động phiên đấu thứ 15 của nhà đấu giá Chọn ảnh 2 Thiếu nữ, sáng tác 1972 của Mai Long, giá khởi điểm 2.000 USD

Trịnh Hữu Ngọc sinh năm 1912 tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, mất năm 1997. Lớn lên ông lập thân tại Sài Gòn Chợ Lớn và học nghề tại trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1938, ông đi vẽ một chuyến bằng xe đạp từ Hà Nội vào tận Sài Gòn.

Cái bất biến trong tranh Trịnh Hữu Ngọc, là tấm lòng người họa sĩ đã giao hòa mãi mãi với cảnh vật thiên nhiên. Trịnh Hữu Ngọc vẽ bốn bề đồng lúa, ruộng rau, bóng cây, rặng tre, mây trời và ánh nước, cỏ li ti và bụi, bùn đất,… vào cả bốn mùa thiên nhiên quanh mình để lan tỏa trong tâm tư người xem cái mộc mạc, giản dị, thanh và tịnh.

Hình ảnh con người suy tư giữa bốn bề thiên nhiên chứa đựng không khí vừa thực vừa huyền ảo với sự tinh tế trong bố cục, cách dùng bút điểm màu đặc trưng của làng quê yên ả, phảng phất chút buồn đã thức tỉnh người xem về một tác phẩm nghệ thuật thấm nhuần nền văn hóa Đông phương.

Họa sĩ Khóa Kháng chiến Mai Long luôn được xem là một trong những gương mặt vẽ lụa tinh tế và có chất cảm nhất. Trong những tác phẩm của ông đâu đó phảng phất cái chân chất mà mộc mạc đến vô cùng. Những hình ảnh mang đậm bản sắc như những bức tranh về phố cổ, hay những bức tranh về miền quê cho thấy một Mai Long với tình yêu quê hương sâu sắc.

Đối với ông nghệ thuật đó là sự tư duy và lý trí luôn song hành cùng hiện thực, lãng mạn. Và ông đã dụng lụa để có thể diễn đạt và bày tỏ toàn vẹn nhất cái tình của ông với hiện thực cuộc sống.

Đề tài về phụ nữ luôn là niềm cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ và Mai Long cũng vậy. Những người phụ nữ từ thiếu nữ, phụ nữ… dường như đều toát lên chất thơ mà chỉ trong tranh Mai Long ta mới thấy được.

Người phụ nữ Nga, sáng tác 1962 của Hoàng Quy, khởi điểm 5.000 USD
Họa sĩ Phạm Lực là người gốc Huế, ông học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1977. Ông gia nhập quân ngũ suốt 35 năm, chiến đấu ở Hàm Rồng (Thanh Hóa), rồi đi khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nam Lào, Tây Nam Bộ…
Họa sĩ Phạm Lực được đánh giá là một trong những tài năng có cá tính hội họa ấn tượng của Việt Nam, đã có hơn 30 triển lãm ở trong nước và quốc tế.
Ông cũng là họa sĩ duy nhất có câu lạc bộ những người sưu tập tranh của mình, với hơn 100 thành viên, tập trung hơn 6.000 tác phẩm…

Phiên đấu 15 còn hứa hẹn mang đến cho giới sưu tập những làn gió mới khác, những gương mặt trẻ trung, thú vị và không kém phần ấn tượng.

Các tác phẩm được khai mạc trưng bày cho khách thưởng lãm, bắt đầu từ 18 giờ chủ nhật, ngày 22-7 đến hết ngày 28-7.

Phiên đấu chính thức sẽ bắt đầu lúc 18 giờ ngày 29-7.

Tin cùng chuyên mục