Theo Hiệp Hội Bất động sản TPHCM, TP có 158 dự án có liên quan đất công, thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác. Lãnh đạo thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã cho phép 124 dự án được vận hành trở lại bình thường kể từ tháng 3- 2019, nhưng trên thực tế, nhiều dự án vẫn chưa thực sự được hoạt động bình thường.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát về pháp lý các dự án là rất cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư, kinh doanh và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, không để thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước. Nhưng quá trình rà soát, thanh tra cũng đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề nghị UBND TP phối hợp với các cơ quan trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giúp bổ sung nguồn cung sản phẩm cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: “Hiệp hội đề cập đến 19 doanh nghiệp có dự án đang vướng mắc, kéo dài tôi đề nghị Phó Chủ tịch UBND Võ Văn Hoan hình thành tổ công tác và gia hạn đến 30-4 phải xong. Hàng tuần tổ công tác phải họp để giải quyết đứt điểm các dự án này”.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thêm, với các dự án mà vừa qua thanh, kiểm tra hay điều tra nhưng đến nay cơ quan chức năng đã cho “chạy” rồi thì các sở ngành cũng phải hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành thủ tục theo quy định.
“Ví dụ như dự án 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4 đã được thông báo của các cơ quan chức năng rồi thì giờ phải cho chạy lại”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Được biết khu đất 76 Tôn Thất Thuyết ban đầu được Thủ tướng Chính phủ giao cho Nhà máy Thủy tinh Khánh Hội theo Quyết định 607/TTg tháng 10-1994. Tuy nhiên, sau đó Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên doanh với đối tác Malaysia thành lập Công ty TNHH Malaya Việt Nam (MVG) để làm Nhà máy sản xuất bao bì thủy tinh phục vụ sản xuất.
Trong đó Sabeco góp 30% vốn điều lệ, số tiền này được dùng thuê khu đất trong 12 năm đầu để góp vốn vào liên doanh với đối tác nước ngoài. Từ năm thứ 13 trở đi, liên doanh mới phải nộp tiền thuê đất cho nhà nước.
Nhưng theo quyết định sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước ban hành năm 2007, khu đất này không thuộc diện Sabeco được tiếp tục quản lý, sử dụng. Do đó, Sabeco không còn được hưởng giá trị lợi thế của khu đất nữa.
Tuy nhiên, đến năm 2009, Sabeco và Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ du lịch Hiệp Phúc (Công ty Hiệp Phúc) cùng MVG ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư để khai thác khu đất.
Tháng 3-2015, đại diện bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco có báo cáo đề xuất Bộ Công thương cho phép được hợp tác với Công ty Hiệp Phúc bằng cách góp 26% vốn điều lệ, thông qua việc thành lập một pháp nhân mới để triển khai dự án tại khu đất.
Tháng 1-2016, Thứ trưởng Bộ Công thương chấp thuận cho phép thành lập liên doanh theo đề xuất của bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco.
Ngày 15-1-2016, hợp đồng hợp tác giữa Sabeco và Công ty Hiệp Phúc được ký kết.
Tháng 2-2016, 2 cổ đông gồm: Công ty Hiệp Phúc, Sabeco thành lập Công ty TNHH đầu tư Sabeco HP (Sabeco HP). Trong đó, Công ty Hiệp Phúc chiếm 74% vốn điều lệ, Sabeco 26% vốn điều lệ.
Ngày 18-11-2016, UBND TPHCM ban hành quyết định thu hồi hơn 34.000m2 đất trước đây của MVG.
Sau đó, TP chấp thuận cho Sabeco HP sử dụng hơn 16.000m2 từ tổng diện tích đất thu hồi nói trên để đầu tư dự án trung tâm dịch vụ thương mại căn hộ Charmington Iris.
Dự án được giới thiệu quy mô 2 block cao 35 tầng, gồm 1.438 căn hộ do Công ty TTC Land và Công ty CP Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal) là đơn vị phát triển dự án.