Khởi động hạ tầng chiến lược vùng Đông Nam bộ

Trong cuộc họp vào đầu năm 2025 giữa TPHCM và các địa phương vùng Đông Nam bộ với khách mời là tỉnh Long An, thông điệp lớn nhất được đưa ra là làm sao đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các dự án hạ tầng chiến lược vùng. 

Danh mục dự án năm 2025 đã “lên sóng”: khởi công tuyến cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TPHCM - Mộc Bài; mở rộng tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận; khánh thành nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất, từng giai đoạn sân bay Long Thành và đường kết nối; hoàn thành đường Vành đai 3 TPHCM cũng như trình dự án đường Vành đai 4 và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Screenshot 2025-02-05 043339.png

Thông điệp này đi cùng với thời cơ và thách thức, nhất là những chuyển động kinh tế - xã hội trong 3 năm gần đây và kết quả phát triển của năm 2024. Xuất khẩu đã trở thành một chủ lực quan trọng của vùng, định hình nơi đây như một trung tâm sản xuất không chỉ của cả nước mà còn của khu vực Đông Nam Á với các doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) tiềm lực.

Hẳn nhiên, sự gắn kết chặt chẽ vào thị trường quốc tế luôn có 2 mặt tích cực và hạn chế do biến động xuất khẩu từ những điều chỉnh chính sách thuế quan và năng lực của các “công xưởng sản xuất”.

Trong khi đó, đầu tư công với các dự án liên vùng đã khởi sắc trong mấy năm gần đây: từ đường Vành đai 3 TPHCM có chủ trương và chính sách đặc thù của Quốc hội, đến các tuyến cao tốc kết nối liên tỉnh mà Nghị quyết 98/2023/QH15 đang mở đường.

Tuyến cao tốc liên tỉnh kết nối các địa phương trong vùng Đông Nam bộ và với các vùng khác ở phía Nam, mà tuyến cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành tại tỉnh Bình Dương có thể được khởi công trong thời gian ngắn, là một trong những điểm sáng rõ nét nhất.

Đưa các dự án hạ tầng của vùng vào hoạt động càng có hiệu quả hơn khi kết hợp cùng với việc thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng và du lịch. Một thị trường rộng hơn của cả vùng cũng đòi hỏi đồng bộ trong chuỗi sản xuất, xúc tiến đầu tư và thương hiệu vùng.

Việc luân chuyển hàng hóa, dịch vụ, dòng người cần liên thông nhiều quy trình, phối hợp nhiều hành động mà nếu chỉ trông chờ vào hiệu quả thực hiện của một địa phương thôi, sẽ hạn chế.

Thách thức lớn nhất hiện nay với TPHCM và các địa phương trong vùng, cũng là yêu cầu cao đặt ra trong giai đoạn tới, là làm sao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số từ năm 2025.

Với tình hình biến động chưa thể đoán định từ các thị trường quốc tế thì đầu tư nội địa tiếp tục là điểm nhấn, do vậy hạ tầng vùng làm sao phải khởi công nhanh hơn, thi công tốc độ hơn, đưa vào sử dụng một cách đồng bộ cùng với thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội và ứng dụng được các xu hướng, công nghệ khác nhau như chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.

Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, cơ chế chính sách đặc thù đặc biệt vượt trội chính là “chìa khóa của những chìa khóa”. Đã có nhiều tiền lệ và kinh nghiệm quốc tế, cùng với những bài học thành công, thất bại trong nhiều năm vừa qua.

Đó là hành trang quan trọng để đưa tất cả phương án, cơ chế chính sách lên “bàn cân chính sách” lựa chọn, từ đó thúc đẩy mọi việc công khai minh bạch, tăng hiệu năng hiệu lực thực thi trong bối cảnh phát triển mới.

Vùng Đông Nam bộ một khi liên kết chặt chẽ, hành động đồng bộ, hiệu quả sẽ đóng góp lớn cho phát triển của từng địa phương, vùng và cả nước. Cùng nhau liên kết, cùng nhau phát triển!

Tin cùng chuyên mục