Xây dựng chính sách an sinh xã hội đa tầng - thực tiễn từ TPHCM

Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo

Từ những kết quả trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội của TPHCM tiếp tục thực hiện chăm lo người dân một cách thực chất, hiệu quả. Đó cũng là việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội như Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98/2023/QH15 và tinh thần tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đặt ra.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao phương tiện sinh kế hỗ trợ người dân khó khăn. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ trao phương tiện sinh kế hỗ trợ người dân khó khăn. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Đồng chí TRẦN KIM YẾN, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM: Cần sự chung tay và ý chí vươn lên của toàn xã hội

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM luôn xem việc chăm lo người nghèo là nhiệm vụ quan trọng. Trong tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam - Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” TPHCM phấn đấu vận động quỹ đạt 40 tỷ đồng và hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp của thành phố vận động đạt được trên 125 tỷ đồng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng đang thực hiện công trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 500 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình khó khăn ở thành phố. Đây là hoạt động thiết thực hỗ trợ các hộ nghèo giảm thiếu hụt về nhà ở, nâng chất lượng cuộc sống của người nghèo, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, theo tinh thần Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Đồng chí NGUYỄN HỮU HIỆP, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức: Hình thành mạng lưới việc làm đô thị

TP Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch với các chính sách an sinh xã hội trước mắt và lâu dài, hướng đến sự chăm lo bền vững đối với từng đối tượng, theo tinh thần Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và định hướng phát triển của địa phương.

Cụ thể, Thường trực Thành ủy TP Thủ Đức đang khảo sát chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, gặp gỡ các hộ nghèo, cận nghèo để nắm bắt nguyên nhân nghèo cũng như mong muốn của các gia đình. Từ đó, Thành ủy TP Thủ Đức sẽ có chiến lược đảm bảo chăm lo an sinh đa chiều, lâu dài. Cùng với đó, khảo sát về các giải pháp chăm lo của địa phương, của từng chi bộ và các tổ chức đoàn thể nhằm kịp thời chấn chỉnh, có chỉ đạo, để công tác chăm lo phải là sự đồng hành thường xuyên, liên tục chứ không phải đến hẹn lại lên. Mục đích của hoạt động này cũng nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của các hộ gia đình.

Đồng chí LÊ VĂN THINH, Giám đốc Sở LĐTB-XH: Nhân rộng mô hình “trao cần câu”

Giai đoạn 2021-2025, TPHCM có 58.019 hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm 2,29% tổng hộ dân của thành phố ). Đến cuối tháng 8-2023, TPHCM còn 39.030 hộ nghèo, hộ cận nghèo (chiếm 1,54% tổng hộ dân thành phố ). Từ những kết quả đạt được, Sở LĐTB-XH tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các chính sách và giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hướng đến mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu “đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố” theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM trước hạn 1 năm.

Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, TPHCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025 . Ngoài ra, với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, Sở LĐTB-XH đã thực hiện tốt công tác tổng hợp và giới thiệu các mô hình, cách làm hay, các giải pháp giảm nghèo hiệu quả, từ đó đã góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm động lực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bà LÊ THỊ KIM THÚY, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM: Điểm tựa cho lao động khu vực phi chính thức

Hiện thành phố có 148 nghiệp đoàn với hơn 8.470 lao động và phân theo ngành nghề như: xe công nghệ, xe ôm truyền thống, rác dân lập, làm móng, chăm sóc sắc đẹp, bán vé số, giữ trẻ, sửa chữa ô tô… Liên đoàn Lao động TPHCM đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội TPHCM và các mạnh thường quân trao tặng thẻ BHXH, BHYT cho đoàn viên khu vực phi chính thức để giúp đoàn viên nghiệp đoàn ổn định cuộc sống. Tổ chức công đoàn thành phố cũng tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao tay nghề cho đoàn viên; tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm việc làm. Chúng tôi mong muốn người lao động khu vực phi chính thức xem nghiệp đoàn là điểm tựa khi gặp khó khăn. Ngoài chăm lo đoàn viên nghiệp đoàn vào các dịp lễ, tết, Tổ chức tài chính vi mô CEP mở nhiều gói chăm sóc khách hàng và quan tâm đối tượng phi chính thức để hỗ trợ vốn, giúp họ cải thiện cuộc sống và nâng cao tay nghề.

Bà TRẦN BỬU THÂM, dân tộc Hoa, ngụ phường 6, quận 11, TPHCM: Thoát nghèo nhờ hỗ trợ bền vững

Gia đình tôi có 5 thành viên, nhưng hai con nhỏ đang tuổi ăn học và người cô hiện đã lớn tuổi, mất sức lao động. Năm 2021, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Thời gian qua, gia đình nhận được sự quan tâm hỗ trợ, chăm lo từ quận, phường, Ban Dân tộc TPHCM như tặng BHYT, hỗ trợ tiền điện, tiền nước, gạo, tặng tiền mặt… Con tôi đang đi học được vay vốn học sinh, sinh viên 40 triệu đồng, hàng năm được tặng học bổng. Đặc biệt là gia đình tôi vay vốn giảm nghèo số tiền 50 triệu đồng, được tặng phương tiện sinh kế là xe máy trị giá 26 triệu đồng để mưu sinh thoát nghèo. Nhờ sự trợ sức kịp thời, sự động viên khích lệ đó, đến tháng 12-2022, gia đình tôi đã được nâng chuẩn lên hộ cận nghèo và tháng 7-2023 đã thoát cận nghèo. Hiện nay, vợ chồng tôi có việc làm, thu nhập tương đối ổn định để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, nuôi con ăn học.

Tin cùng chuyên mục