Khơi dậy tình yêu văn hóa cội nguồn

Văn hóa là một thành tố quan trọng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Việc các đơn vị xuất bản thường xuyên giới thiệu những ấn phẩm mang dấu ấn văn hóa dân tộc góp phần vào sự quan trọng đó.

Giáo sư Ca Văn Thỉnh (1902-1987) là người dành cả đời nghiên cứu về những giá trị của văn hóa Nam bộ, về hào khí của sĩ dân Nam bộ. Nhân 120 năm ngày sinh GS Ca Văn Thỉnh, gia đình ông cùng ThS Lê Sỹ Đồng (giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) sưu tầm, biên soạn các công trình của giáo sư trong di cảo, trên sách báo thành 3 tập chuyên khảo do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành, gồm: Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ danh sĩ Nam bộ thế kỷ XIII - XIX, Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ lịch sử Nam bộ và Di sản văn hóa Nam bộ nhìn từ văn học Nam bộ.

Bộ sách Di sản văn hóa Nam bộ của GS Ca Văn Thỉnh được Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đầu tư thực hiện. Ảnh: MY ĐẶNG
Bộ sách đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức về văn hóa Nam bộ, trên nhiều khía cạnh: lịch sử, văn học và các danh sĩ. Trong nghiên cứu của mình, GS Ca Văn Thỉnh đã chỉ ra vai trò, vị trí của văn học Nam bộ trong đời sống, trong văn hóa Nam bộ và trong lịch sử văn học dân tộc. Đặc biệt, sự tiếp nối trong văn mạch phương Nam cũng được ông chứng minh một cách thuyết phục với những tên tuổi như Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thông…


Là người tham gia biên soạn, ThS Lê Sỹ Đồng cho biết, bộ sách được anh và bà Ca Lê Hồng (con gái GS Ca Văn Thỉnh) cùng ông Nguyễn Long Trảo (con rể GS Ca Văn Thỉnh) bắt tay thực hiện vào đầu năm nay. Trước đó, để thực hiện luận văn thạc sĩ về cuộc đời và sự nghiệp văn học của GS Ca Văn Thỉnh, anh đã đến gặp những người thân trong gia đình. Nhờ đó được tiếp cận với nhiều tư liệu gồm 17 cuốn nhật ký cùng những bài viết tay và nghiên cứu chưa công bố của ông.

Theo ThS Lê Sỹ Đồng, việc xuất bản các công trình nghiên cứu của GS Ca Văn Thỉnh góp phần vinh danh, ghi công ơn những người đã nghiên cứu về văn hóa, văn học Nam bộ. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội giúp làm rõ hơn công việc đánh giá lại văn hóa Nam bộ, để bạn đọc ngày nay nhìn nhận rõ hơn ở Nam bộ có truyền thống lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, có nét riêng về văn hóa.

Trước bộ sách Di sản văn hóa Nam bộ của GS Ca Văn Thỉnh, nhiều ấn phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa một thời của các tác giả đã khuất cũng được các đơn vị xuất bản giới thiệu đến bạn đọc. Có thể kể đến cố GS-TS Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) với Văn minh Việt Nam, Sinh hoạt của người Việt: Cư trú - Kiến trúc - Hát đối, Hội hè lễ tết của người Việt. Hay một số ấn phẩm như: Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính), Đất lề quê thói (Nhật Thanh), Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh)… Trong số này, nhiều ấn phẩm được các đơn vị khác nhau cùng khai thác, mỗi đơn vị lại chú trọng vào một yếu tố riêng để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Cùng với những ấn phẩm của các học giả ngày trước, nhiều tác giả đương thời cũng tìm về văn hóa dân tộc, trở thành cầu nối đưa văn hóa xưa trở lại với bạn đọc nay. Có thể kể đến nhà nghiên cứu Trần Quang Đức với Ngàn năm áo mũ và Chuyện trà - lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt do Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành. Hay tác giả Miên Thảo (bút danh của TS Đặng Thị Phương Anh) với bộ sách Kể chuyện văn hóa Việt gồm 2 cuốn: Chuyện ở của người xưa và Người xưa đã mặc như thế nào do Thái Hà Books và NXB Lao động ấn hành. Bộ sách hướng đến các bạn đọc nhỏ tuổi nên dung lượng kiến thức được viết chừng mực, gần gũi. Sách có minh họa màu xinh xắn với nội dung thú vị và hấp dẫn, giúp các bé tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về văn hóa Việt Nam.

ThS Lê Sỹ Đồng cho rằng, việc xuất bản bộ sách Di sản văn hóa Nam bộ cũng giống như các ấn phẩm trước đây, giúp độc giả ngày nay được tiếp cận và nhìn rõ hơn về văn hóa xưa của người Việt. “Nhìn từ góc độ lịch sử, có thể họ sẽ thấy những biến đổi về văn hóa của người Việt mình, tức là văn hóa Việt không phải là bất di bất dịch hay bất biến mà có sự tiếp diễn và phát triển trong mỗi thời kỳ khác nhau. Từ đó, độc giả có thể đánh giá một cách khách quan cũng như nhìn nhận một cách toàn diện hơn về văn hóa Việt khi có những ý kiến trái chiều”, ThS Lê Sỹ Đồng cho biết. 

Theo PGS-TS Đoàn Lê Giang, đọc các công trình nghiên cứu về Nam bộ của GS Ca Văn Thỉnh, người ta thấy ở đó một phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, một thái độ làm việc hết sức nghiêm túc, coi trọng tư liệu. Tư liệu mà ông sử dụng đều là các tư liệu nguyên gốc, xác thực, có độ tin cậy cao. Cách diễn giải của ông trong các bài viết đều rõ ràng, khúc chiết, logic chặt chẽ, hết sức thuyết phục.

Tin cùng chuyên mục