1. “Thế hệ các bạn trẻ 9X và gen Z về sau thường bị cho rằng ít quan tâm đến lịch sử nước nhà, bởi phổ điểm môn Lịch sử của học sinh gần như thấp trong mặt bằng chung. Nhưng em nghĩ, chúng em yêu lịch sử qua các câu chuyện đã được học, đọc, tìm hiểu. Tình yêu này còn được biểu hiện bằng nhiều cách”, Ngô Lê Duy, đại diện nhóm Việt phục Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp, bày tỏ khi nói về người trẻ và lịch sử.
Theo Duy, giới trẻ bây giờ yêu cầu cao hơn về mặt hình ảnh, trình bày, cần những câu chuyện, hình ảnh sống động, bởi lịch sử không chỉ là con số khô cứng mà còn là câu chuyện, trang phục, văn hóa vật chất. Và bắt đầu từ tình yêu lịch sử, những chiếc áo xưa của tiền nhân, Ngô Lê Duy cùng nhóm bạn lập dự án Việt phục Hoa Niên - Năm tháng tươi đẹp. Đây là dự án vừa khởi nghiệp trang phục phục dựng ứng dụng hợp thời đại từ nguyên mẫu các trang phục cổ, vừa là nơi các bạn trẻ tìm hiểu, phục chế, lan tỏa các dạng thức trang phục truyền thống.
Cùng với dự án trên, nhiều dự án của các bạn trẻ khác cũng ra đời như: Ỷ Vân Hiên, Đại Nam Hội Quán, Áo dài Năm Tuyền, Phượng Điển, Chiêu Minh Các… Hầu hết các dự án khởi nghiệp, thương hiệu thời trang, các hội nhóm cổ phong được điều hành bởi các bạn gen Z. Lê Duy khẳng định: Giới trẻ không hề quay lưng với văn hóa, lịch sử nước nhà mà là thế hệ tiếp nối đưa văn hóa Việt Nam phát triển và lan tỏa hơn.
2. Board game là một ngành công nghiệp, nhánh giao thoa giữa ngành in và làm đồ chơi, nơi sự sáng tạo không giới hạn. Học tập từ các nước bạn, không ít nhóm bạn trẻ lập dự án khai thác khía cạnh văn hóa, lịch sử Việt, đưa vào các sản phẩm board game, tạo cho giới trẻ niềm hứng khởi tìm hiểu thêm về văn hóa nước nhà.
Kể về hành trình 4 năm không bỏ cuộc dự án khởi nghiệp Ngũ Hành Games, đại diện nhóm cho biết, quyết tâm thực hiện đến cùng, bởi thấy được những cơ hội lan tỏa lịch sử, văn hóa Việt ra thế giới. Ngũ Hành Games hiện có sản phẩm ở các chuỗi nhà sách lớn 3 miền Bắc - Trung - Nam, cũng như có các đối tác ở một số nước châu Âu, Nhật Bản, Singapore trong việc phân phối sản phẩm board game. Những tựa game khác nhau mang đậm nét văn hóa lịch sử Việt lần lượt ra đời như Hội Phố, Lên Mâm, Kinh Lược 1698, Ăn Ý (đi cùng nét vẽ tranh Đông Hồ được cải biên hiện đại)…
Dự án Đại Việt Kỳ Nhân kể lại các trang sử Việt thông qua bộ tranh minh họa và board game lấy cảm hứng từ các anh hùng dân tộc do bạn Tô Quốc Nghị khởi xướng hơn 2 năm trước. Hiện tại, nhóm bạn trẻ cho biết sẽ minh họa nhiều nhân vật hơn trong giai đoạn năm 1000-2000 để người trẻ có thêm nguồn tư liệu. “Chúng tôi hướng tới nền tảng học tập cho cộng đồng lịch sử Việt Nam, với sử liệu nhân vật sắp xếp logic, phong phú, chính xác và luôn cởi mở tiếp nhận các góp ý từ cộng đồng. Xa hơn nữa, sẽ sử dụng những hình ảnh trực quan tạo nhiều hơn sản phẩm giải trí, thương mại hữu hình để bạn trẻ có cơ hội tiếp cận các nhân vật, sự kiện, mốc lịch sử hơn”, đại diện nhóm bày tỏ.
3. “Chuyện giới trẻ Việt Nam xa rời lịch sử đã được nhắc nhiều. Và bản thân là một người trẻ khá điển hình, tôi từng tự hỏi: Lịch sử có quan trọng, có cần thiết không? Khi đọc nhiều, cách suy nghĩ, tư duy của tôi đã thay đổi”, một thành viên nhóm Đại Việt Kỳ Nhân chia sẻ mới đây tại tọa đàm Tuổi trẻ TPHCM tự hào sử Việt.
Ngoài các dự án, khá nhiều bài viết Hiến kế lan tỏa sử Việt được thực hiện, trong đó có Mô hình giáo dục, tuyền truyền lịch sử cho học sinh ứng dụng công nghệ 4.0 của Phạm Quang Thắng (Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TPHCM); Tuyên truyền lịch sử qua bảng chú thích tên đường là tên nhân vật, sự kiện lịch sử (Nguyễn Thị Diệu Liên, Trường THCS Phú Mỹ Hưng, Củ Chi); Đưa lịch sử đến gần giới trẻ qua mạng xã hội TikTok (Phạm Thị Ngọc Trinh - Trần Văn Tài, Học viện Cán bộ TPHCM)…
Anh Phạm Quang Thắng chia sẻ: “Xuất phát từ thực tiễn, phương pháp tôi chia sẻ ứng dụng công nghệ 4.0 đơn giản, dễ tiếp thu, phù hợp giáo dục lịch sử. Giới thiệu các anh hùng dân tộc, sự kiện lịch sử theo các khối lớp, xây dựng mô hình theo chủ đề nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử chi tiết… có thể ứng dụng công nghệ QR Code bởi phần lớn học sinh đều đã có điện thoại thông minh”.
Rõ ràng, các sản phẩm, giải pháp của người trẻ có lợi thế rất lớn trong việc tiếp cận chính bạn trẻ bởi cách triển khai mới mẻ lại gần gũi, thực tế hơn.
“Dù sống trong thế giới công nghệ, nhưng chúng tôi thường tiếp cận các vấn đề theo lối truyền thống. Không tra Google, chúng tôi tới Bảo tàng TPHCM, các buổi triển lãm về thành phố, cố gắng tìm được các bản vẽ, hình ảnh thời xưa. Sau bảo tàng là tới sách vở. Từng quyển sách về Sài Gòn - Gia Định được các bạn thu gom về đọc, nghiên cứu, từng dòng miêu tả, từng hình ảnh có thể lấy. Khi chúng ta trân trọng văn hóa Việt, người Việt sẽ trân trọng sản phẩm Việt”, đại diện nhóm Ngũ Hành Games chia sẻ. |