1. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đúc kết bài học: “…phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”. Đây là kinh nghiệm mới so với Đại hội XII của Đảng được các đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng sôi nổi thảo luận.
Đối với dân tộc Việt Nam, sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong trường kỳ lịch sử suốt mấy ngàn năm là sự nghiệp của cả dân tộc. Sự nghiệp ấy chỉ giành được thắng lợi khi cả nước một lòng chống giặc giữ nước, khi mọi người cùng quyết tâm đấu tranh với thiên nhiên xây dựng đất nước. Trong lịch sử các bậc “vua sáng, tôi hiền” sở dĩ làm nên nghiệp lớn bởi hiểu được chân lý “lấy dân làm gốc”, “dân là nước, nước là nước dân”, “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, vì vậy phải thực hiện “thân dân”, “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc”.
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định cách mạng không phải là công việc của bất cứ cá nhân anh hùng hoặc của bất cứ nhóm người nào mà là công việc của nhân dân, của toàn dân.
Người khẳng định chân lý: “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Sự thành bại của cách mạng đều gắn với vai trò của quần chúng nhân dân lao động. Thực tế lực lượng của nhân dân là rất lớn, khả năng của nhân dân là phi thường. Trong mọi vấn đề của cách mạng, nếu có dân là có tất cả, ngược lại không có dân thì thất bại trong tầm tay. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Người yêu cầu: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Nhờ khơi dậy sức mạnh lòng dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam đã đánh thắng ba đế quốc to là Pháp, Nhật, Mỹ và bước đầu đổi mới giành thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử.
2. Thực hiện tư tưởng “thân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ khi mới ra đời, đặc biệt từ khi đổi mới toàn diện đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng “lấy dân làm gốc”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng xuất phát từ thực tiễn đất nước, đã đúc kết bài học hàng đầu: “Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”.
Trong quá trình đổi mới, Đảng luôn chú trọng “lấy dân làm gốc” trong đó Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tiếp tục đúc kết bài học lớn: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định bài học lớn này.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Báo cáo quan tâm phát huy sức mạnh của tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động như giai cấp công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân... Đặc biệt, “tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một bước ngoặt lớn trong cách mạng Việt Nam, tiếp tục khơi dậy sức mạnh lòng dân để thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ đại hội đề ra. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, quyết vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế, khơi dậy ý chí, tiềm năng, nguồn lực cho phát triển. Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam…, là nguồn động lực mới, to lớn để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn.
Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng là ước vọng của toàn dân tộc.