Đến dự có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT; đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành...
Năm 1994, sân bay Phú Bài được đầu tư nâng cấp, kéo dài đường cất hạ cánh từ 1.800m lên 2.700m về phía đông để có thể tiếp nhận các loại máy bay tầm trung. Giai đoạn từ năm 2000 – 2004, Cảng hàng không Phú Bài đã được đầu tư hệ thống đèn tín hiệu; hệ thống ILS; hệ thống khí tượng tự động AW11; đài DVOR/DME; đài LOC, GP, DME; xây dựng nâng cấp mở rộng nhà ga; sân đậu máy bay; đồng thời làm sân bay dự bị cho các đường bay quốc nội và quốc tế.
Sau sửa chữa và mở rộng, chiều rộng đường hạ cất cánh có kích thước 2.700m x 45m, đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4D theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có khả năng tiếp thu các loại máy bay tầm trung như A320/A321 và tương đương. Nhà ga hành khách có công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống băng chuyền hành lý, hệ thống soi chiếu an ninh, hệ thống làm thủ tục hàng không, hệ thống hiển thị thông tin, hệ thống phát thanh.
Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, xã hội, du lịch và đầu tư, những năm gần đây, nhu cầu vận chuyển và đi lại bằng đường hàng không của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực tăng cao. Tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài hiện có 4 hãng hàng không trong nước, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific và Bamboo Airways đang khai thác các đường bay từ Huế đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt và các chuyến bay charter quốc tế đi các nước trong khu vực.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Phú Bài luôn duy trì mức tăng trưởng từ 12- 18%/năm. Năm 2019, sản lượng cất hạ cánh đạt gần 12.000 lượt/chuyến, sản lượng hành khách thông qua đạt gần 2 triệu lượt khách, vượt quá công suất của nhà ga, sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 5.500 tấn. Vì thế, việc đầu tư xây dựng nhà ga hành khách mới tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài là rất cấp bách và cần thiết.
Theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-02-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài được quy hoạch là cảng hàng không dùng chung giữa dân dụng và quân sự, đạt cấp 4E theo mã chuẩn của ICAO. Công suất thiết kế dự kiến 5 triệu hành khách/năm đến 2020 và 9 triệu hành khách/năm đến 2030.
Nhà ga hành khách có hệ thống đường dẫn ra máy bay gồm 04 ống lồng, trong đó 03 ống code C và 01 ống lồng đôi. Diện tích xây dựng khoảng 10.118 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 22.381m2, công suất 5 triệu hành khách/năm (trong đó nội địa 4 triệu hành khách/năm và quốc tế 1 triệu hành khách/năm), bảo đảm phục vụ 2.500 hành khách giờ cao điểm, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, cung cấp nhiều tiện ích chất lượng cao phục vụ hành khách. Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào khai thác trong Quý 4-2021.
Cảng hàng không quốc tế Phú Bài có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế và khu vực miền Trung. Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần tích cực vào việc tăng cường kết nối Thừa Thiên-Huế với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các nước trong khu vực và thế giới; khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, đặc biệt là phát triển du lịch.
Được biết, năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không trực thuộc ACV đạt 116 triệu hành khách, tăng 12% so với năm 2018.
Cùng ngày tại sân bay Phú Bài đã đón hành khách thứ 115 triệu của năm 2019 của ACV. Đó là một hành khách người Nhật tới Huế thăm người thân đang dạy học tại đây. Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV dù chỉ còn ít ngày nữa là hết năm 2019 nhưng dự kiến cả năm 2019 ACV sẽ đón 116 triệu hành khách trên toàn hệ thống sân bay trực thuộc. |