Khởi công xây dựng cầu Phước Khánh nối liền Cần Giờ (TPHCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai)

Khởi công xây dựng cầu Phước Khánh nối liền Cần Giờ (TPHCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai)

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành

(SGGPO).- Ngày 18-7, tại ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ TPHCM, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã khởi công xây dựng cầu Phước Khánh gói thầu J3 thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Khởi công xây dựng cầu Phước Khánh nối liền Cần Giờ (TPHCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai) ảnh 1

Hình ảnh cầu Phước Khánh tương lai

Khởi công xây dựng cầu Phước Khánh nối liền Cần Giờ (TPHCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai) ảnh 2

Quang cảnh lễ khởi công

 Đến dự và nhấn nút khởi công có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu) dài 3,18 km nối huyện Cần Giờ, TPHCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, có khẩu độ nhịp chính dài 300m, trụ chính cao 135m, tĩnh không thông thuyền cao 55m đảm bảo cho các tàu biển lớn trọng tải trên 50.000 DWT qua lại.

Gói thầu J3 có lý trình bắt đầu từ Km 29 + 264 đến Km 32+450 với chiều dài 3,186 km gồm cầu Phước Khánh và cầu cạn qua huyện Cần Giờ, TPHCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai do liên doanh Sumitomo Mitsui Construcion Co.,Ltd và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) xây dựng. Tổng vốn đầu tư gói J3 gần 4 tỷ Yên và khoảng 3.000 tỷ đồng do JICA tài trợ và vốn đối ứng.



Theo VEC do tuyến phải đi qua vùng địa chất, thủy văn phức tạp thuộc vùng ven biển, cửa sông ở khu vực Đông Nam bộ. Dự án đi qua khu vực Cần Giờ trên nền địa chất rất yếu. Tuyến đi qua vùng nhiều sông ngòi, vùng sình lầy nên phải xây dựng hơn 20 km cầu và cầu cạn. Riêng từ Km 21+744 - Km 32+450 dài 10,7 km xây dựng 3 cầu lớn, trong đó đặc biệt có 2 cầu lớn có kết cấu dây văng là cầu Phước Khánh và cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) dài 2,76 km nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của TPHCM, có khẩu độ nhịp chính dài 375 m, trụ chính cao 155 m. Hai cầu nói trên được thiết kế với quy mô tương tự cầu Cần Thơ. Cũng vì phải qua vùng đất yếu, địa hình, địa chất phức tạp nên tuyến cao tốc có hơn 20 km cầu cạn, lại là cầu đôi và một phần dự án đi qua đường vành đai 3 của TP.HCM nên cần đến 6 nút giao (chi phí đầu tư mỗi nút giao khoảng từ 500 tỉ đồng đến cả nghìn tỉ đồng), hàng trăm cống hộp dân sinh, cống thoát nước cùng các công trình phụ trợ để đảm bảo quá trình vận hành khai thác như: trung tâm điều hành giao thông, trung tâm vận hành, bảo trì, trạm dịch vụ, trạm dừng xe, trạm thu phí… và hệ thống giao thông thông minh (ITS).

Trong giai đoạn 1, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế gồm 4 làn xe tương đương tuyến TP.HCM - Trung Lương hay TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng thêm vào thời điểm thích hợp, nhưng riêng khâu giải phóng mặt bằng đã làm luôn cho toàn dự án nên sẽ không tốn thêm kinh phí khi triển khai giai đoạn 2.

Dự án đường cao tốc Bến Lức- Long Thành khi hoàn thành sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam bộ nối trực tiếp với mạng lưới đường cao tốc và quốc lộ với hệ thống cảng biển Cái Mép- Thị Vải, Sao Mai- Bến Đình và sân bay quốc tế Long Thành. Dự án sẽ góp phần làm giảm áp lực giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Long An đến Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu và ngược lại từ đó phát hy hiệu quả đầu tư từ các khu công nghiệp trong vùng.

Quốc Hùng

Khởi công xây dựng cầu Phước Khánh nối liền Cần Giờ (TPHCM) với Nhơn Trạch (Đồng Nai) ảnh 4

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục