Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức quy mô 1.000 giường, có tổng mức đầu tư 1.915 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách TPHCM) với thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Sáng 15-11, tại TP Thủ Đức (TPHCM), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Xây dựng và đại diện sở ngành, TP Thủ Đức động thổ xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (tọa lạc tại số 64 đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, TP Thủ Đức) được thành lập năm 1999, tiền thân là Trung tâm Y tế huyện Thủ Đức với quy mô 250 giường nội trú. Hiện nay, bệnh viện có quy mô 8 phòng chức năng, 25 khoa khám chữa bệnh lâm sàn, cận lâm sàng cho trên 2.000 lượt người bệnh/ngày; điều trị nội trú trên 700 giường và 600 cán bộ, viên chức, người lao động. Là bệnh viện hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TPHCM.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi lễ Dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, thời gian qua, TPHCM đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức từ ảnh hưởng của làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4. Đại dịch này đã tác động nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội của thành phố. Đến hôm nay, TPHCM đang trở lại “bình thường mới”, cho thấy một sự đồng thuận, nỗ lực vượt khó của toàn thể người dân, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự quan tâm, lãnh đạo sát sao, quyết liệt của Thành uỷ, HĐND, UBND TPHCM trong việc kiểm soát dịch bệnh.
“Việc TPHCM chỉ trong thời gian gần 1 năm đã tiến hành lễ khởi công 2 bệnh viên đa khoa cho khu vực ngoại thành (Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn) và hôm nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo TPHCM trong chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân thành phố ngày càng tốt hơn, với điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, không gian tổ chức khám chữa bệnh tiên tiến”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đúc kết.
Cùng nhấn mạnh về ý nghĩa của công trình Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng, công trình được khởi công không chỉ phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân địa phương và các khu vực lân cận mà còn là cơ hội để bệnh viện tiếp tục trưởng thành, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế.
Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Lê Văn Dũng báo cáo về tiến độ dự án
Trước đó báo cáo tại buổi lễ, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Lê Văn Dũng cho biết, dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, thuộc dự án nhóm A, được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 58.000 m2 với quy mô 10 tầng nổi, 1 tầng hầm, cao gần 47m (tính từ cốt sàn tầng trệt); quy mô hạ tầng kỹ thuật đáp ứng 1.000 giường và quy mô lưu bệnh 500 giường hiện đại, chất lượng cao với đầy đủ các khu khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú, khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa… Dự án có tổng mức đầu tư 1.915 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách TPHCM), thời gian hoàn thành đến năm 2023.
Dự kiến đến năm 2023, dự án xây mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức sẽ được đưa vào hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân Được biết, ngoài 3 bệnh viện đa khoa được xây mới nêu trên, thời gian qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố cùng các đơn vị liên quan đã nỗ lực vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án bệnh viện nhóm A khác là Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) trong Đề án 125 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời khởi công sửa chữa, xây dựng 11 dự án bệnh viện nhóm B như Viện Tim TP, Trung tâm Pháp y, Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện An Bình…
QUANG HUY