Đến dự và phát lệnh khởi công có các đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng các sở, ban, ngành.
Theo thiết kế, dự án Bến xe miền Đông mới là một quần thể phức hợp bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích với tổng diện tích trên 16ha (rộng gấp ba lần so với bến xe hiện hữu), trong đó diện tích ở TPHCM là 12,3ha, phần còn lại là tỉnh Bình Dương.
Đồ họa phối cảnh Bến xe miền Đông mới
Theo kế hoạch, sẽ hoàn thành khu vực nhà ga trung tâm vào cuối năm 2017 và chính thức đưa vào hoạt động từ đầu năm 2018 nhằm đáp ứng việc di dời các hoạt động tại Bến xe miền Đông hiện hữu, nâng cao chất lượng dịch vụ người dân góp phần cùng TP thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông, xóa bỏ tình trạng “xe dù, bến cóc”, thiết lập trật tự giao thông TP.
Bến xe miền Đông mới sẽ phục vụ cho khoảng 7 triệu lượt hành khách/năm với 21.000 - 52.000 lượt hành khách/ngày. Mỗi ngày có khả năng từ 1.200 - 1.800 lượt xe xuất bến và tổng kinh phí đầu tư 773 tỷ đồng.
Bến xe cũng kết hợp với các tiện ích khác như bãi đậu xe cao tầng, khu vực sửa chữa, trạm tiếp nhiên liệu, khu trung chuyển và giao dịch hàng hóa, khu thương mại dịch vụ.
Việc di dời Bến xe miền Đông hiện hữu (tại quận Bình Thạnh) ra Bến xe miền Đông mới được tiến hành theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 vào quý I - 2018, di dời trước các xe chạy tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai và tuyến liên vận quốc tế… ra Bến xe miền Đông mới. Giai đoạn 2 dự kiến vào tháng 12-2018, sẽ di dời xe chạy các tuyến còn lại.
Bến xe miền Đông cũ sau đó sẽ được bố trí làm bến cho xe buýt và các loại hình vận tải hành khách công cộng khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa nhấn mạnh: Bến xe mới nằm giáp ranh giữa TPHCM và Bình Dương được kỳ vọng giữ vai trò đầu mối giao thông trọng yếu trong hệ thống giao thông vận tải TP. Ngoài xe khách liên tỉnh, bến xe mới sẽ có nhiều phương thức vận tải hành khách công cộng để phục vụ việc chuyển tiếp hành khách vào trung tâm TP và các đô thị vệ tinh như tuyến metro số 1, tuyến xe buýt nhanh đi TP mới Bình Dương và các tuyến xe buýt, taxi để đưa đón khách, kết nối thuận tiện giữa phương thức vận tải giữa TPHCM với các đô thị vệ tinh.
Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa yêu cầu các sở, ngành tập trung thực hiện công việc theo nhiệm vụ, chức năng tạo điều kiện tốt nhất để SAMCO xây dựng hoàn thành bến xe miền Đông mới vào khai thác cuối năm 2017.
Ông Lê Văn Khoa cũng yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị giám sát, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công đề cao trách nhiệm đảm bảo công trình xây dựng đạt chất lượng cao, đúng tiến độ, an toàn lao động.