Tham dự lễ khởi công có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM.
Ông Phạm Duy Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu, cho biết, nhà máy có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, được đầu tư với công nghệ đốt phát điện, có thể xử lý và tái chế từ 70% - 90% chất thải bao gồm nhựa thải, chất thải điện tử, nhựa phế liệu, kim loại… Chất thải trong quá trình xử lý thành nguyên liệu và sản phẩm tái chế luôn được kiểm soát chặt chẽ, đạt quy chuẩn quốc gia về an toàn cho môi trường. Để giảm thiểu nguồn năng lượng hóa thạch sử dụng để vận hành nhà máy, công ty sẽ thực hiện lắp pin mặt trời trên các mái nhà xưởng với công suất hơn 17 triệu kWh/năm. Trong giai đoạn 1 (dự kiến hoạt động vào tháng 9-2021), nhà máy có công suất xử lý 200 tấn/ngày và có thể nâng lên khoảng 500 tấn/ngày trong giai đoạn 2 (năm 2022).
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện trên địa bàn TP trung bình mỗi ngày phát sinh 2.500 tấn chất thải công nghiệp và 350 tấn chất thải nguy hại. Ước tính đến năm 2025, lượng chất thải nguy hại sẽ tăng lên 1.000 tấn/ngày và 3.500 tấn/ngày đối với chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng xử lý loại chất thải nguy hại và công nghiệp trên địa bàn TP còn nhiều bất cập và hiện TP có 12 cơ sở xử lý với tổng công suất 250 tấn/ngày. Do công nghệ xử lý lạc hậu nên chỉ có khoảng 50% lượng chất thải được xử lý, số còn lại phải hóa rắn để chôn lấp hoặc chuyển cho các tỉnh thành xử lý thứ cấp.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm hoàn thành, đi vào hoạt động, từng bước giải quyết nhu cầu xử lý chất thải nói chung, góp phần đạt mục tiêu 50% lượng rác thải trên địa bàn TP được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện vào năm 2020.