Sáng 28-8, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM), Công ty cổ phần Vietstar tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện. Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; cùng đại diện các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương.
Tổng Giám đốc Công ty Vietstar Ngô Như Hùng Việt cho biết, nhà máy xử lý chất thải rắn Vietstar (VST) có tổng diện tích 30ha. Nhà máy đang xử lý 2.000 tấn rác/ngày, sản xuất 7.500 tấn phân hữu cơ/tháng và 300 tấn nhựa PE/tháng. Nhà máy bắt đầu vận hành từ năm 2010 và được xem như là điển hình về phân loại, xử lý và tái chế rác tại Việt Nam.
Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về đổi mới công nghệ, gia tăng công suất tái chế và đốt rác phát điện không chôn lấp, Vietstar tự nguyện và đang mạnh dạn phát huy kế hoạch gia tăng công suất như cải tiến hệ thống phân loại và tái chế dùng 100% thiết bị mới để tăng công suất từ 2.000 tấn/ngày đã được chấp thuận lên 6.000 tấn/ngày, tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu USD; hệ thống xử lý khép kín không phát tán mùi hôi, đang triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2019; xây dựng và lắp ráp hệ thống đốt rác phát điện với công nghệ hiện đại nhập khẩu từ nước ngoài, công suất 2.000 tấn/ngày cho giai đoạn 1 (đang triển khai và sẽ hoàn thành cuối năm 2020) và thêm 2.000 tấn/ngày cho giai đoạn 2 (hoàn thành trong năm 2021) để xử lý rác không tái chế từ hệ thống phân loại và tái chế trên. “Công ty sẽ triển khai đúng tiến độ, không bán dự án. Đặc biệt, không để người dân còn phải phàn nàn về mùi hôi của nhà máy”, ông Ngô Như Hùng Việt cam kết.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, nhà máy xử lý chất thải rắn Vietstar là một trong 3 nhà máy xử lý chất thải hiện hữu tiên phong thực hiện chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện theo chủ trương của TP. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, bắt đầu từ giai đoạn 2003-2004, TP có chủ trương xã hội hóa xử lý chất thải và kêu gọi các dự án đầu tư ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhằm đảm bảo chất lượng môi trường. Một trong những loại hình công nghệ xử lý rác thích hợp vào thời điểm đó là công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh kết hợp xử lý triệt để nước rỉ rác, chế biến rác thành phân compost. Qua hơn 15 năm, các nhà máy xử lý rác, dự án bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh hiện hữu thuộc các Khu liên hợp xử lý chất thải của TP đã tiếp nhận, xử lý khoảng hơn 20 triệu tấn rác bằng các phương pháp trên.
“Tuy nhiên, hiện nay chất thải rắn sinh hoạt phát sinh gia tăng, bình quân hơn 9.000 tấn/ngày, mỗi năm tăng khoảng 10%. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, dẫn đến việc TP cần có các giải pháp chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải hiện hữu với tiêu chí xử lý chất thải bằng công nghệ mới, đảm bảo vệ sinh môi trường và tận dụng tài nguyên từ rác thải, một trong những công nghệ mới đó là đốt rác phát điện”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh. Để đáp ứng với yêu cầu phát triển đô thị, TP đã yêu cầu các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu của TP phải nhanh chóng chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện để đạt chỉ tiêu công nghệ tiên tiến, đảm bảo đến năm 2025, chỉ còn tối đa 20% chôn lấp.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, sự kiện khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc hiện đại hóa công nghệ xử lý rác hiện nay trên địa bàn TP, cũng như tận dụng các nguồn rác thải để sản xuất thành nguồn điện năng cung cấp cho xã hội, góp phần hoàn thành sớm các mục tiêu Chương trình đột phá giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. “TP cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc triển khai dự án và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho sự thành công của dự án”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phấn khởi nói, đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần Vietstar nói riêng và các công ty xử lý chất thải hiện hữu đã được TP chấp thuận nhanh chóng chuyển đổi công nghệ, hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cao nhất, an toàn tuyệt đối công trình.