Đến dự tại điểm khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM) có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; lãnh đạo các bộ ngành.
Cùng tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Viết Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM tại điểm khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM), sáng 18-6. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án. Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, tuy nhiên công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức. Đó là phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại, chuẩn bị vật liệu xây dựng, khối lượng thi công công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng thời tiết.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp để công trình được hoàn thành đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ. Đặc biệt, các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát để đắp cho dự án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM), sáng 18-6. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đối với các địa phương có dự án đi qua, Thủ tướng yêu cầu khi triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đảm bảo việc bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31-12-2023. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ. Thủ tướng mong muốn bà con nhân dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị thi công dự án.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách kiểm tra, giám sát, hướng dẫn quy trình triển khai dự án cho các địa phương nhằm bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất. Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đôn đốc các địa phương trong quá trình thực hiện, bảo đảm tiến độ dự án.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng tuyên bố và phát lệnh khởi công đồng loạt các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường Vành đai 3 TPHCM; dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Trong vai trò điều phối dự án Vành đai 3, tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thay mặt các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương đánh giá đây là dự án có quy mô tư lớn nhất từ trước đến nay của ngành giao thông vận tải trong vùng. TPHCM mong muốn các địa phương cùng nhau phối hợp chặt chẽ, bà con tiếp tục ủng hộ, đồng là tác giả con đường này - Vành đai 3 TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cam kết với Chính phủ và Trung ương, sẽ cùng các tỉnh, thành toàn tâm toàn ý, đốc thúc, sáng tạo để dự án Vành đai 3 sẽ thông xe cuối năm 2025, hoàn thành vào năm 2026.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, đường Vành đai 3 TPHCM cũng là dự án được áp dụng nhiều cách làm chưa có tiền lệ, giúp rút ngắn 1 năm so với cách triển khai thông thường. Trong đó có công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư linh hoạt, tiệm cận giá thị trường, tặng bản vẽ thiết kế cho người dân trong vùng dự án… Đây là yếu tố then chốt giúp dự án có thể khởi công đúng như kỳ vọng.
Tuy nhiên, với khối lượng công việc lớn cùng áp lực thời gian, mục tiêu phải phải thông xe tuyến chính cao tốc vào cuối năm 2025, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án đường Vành đai 3 vào năm 2026 theo yêu cầu Chính phủ và Quốc hội đặt ra là thách thức rất lớn, đây là trách nhiệm nặng nề đối với TPHCM và 3 tỉnh.
Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định sẽ phối hợp các địa phương quyết tâm, tập trung chỉ đạo, điều hành, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực.
Nghi thức khởi công tại điểm khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM), sáng 18-6. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trước đó, Thứ Trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương gồm TPHCM (47,35km), tỉnh Đồng Nai (11,26km), Bình Dương (10,76km), Long An (6,81km) gồm 8 dự án thành phần. Trong đó, 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh/thành phố.
Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 -3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60km/giờ. Quy mô giai đoạn đầu 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2-3 làn xe), đầu tư không liên tục. Tổng mức đầu tư hơn 75.378 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương và các địa phương), dự kiến tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.
Dự án thành phần 1, xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TPHCM dài 47,35km. Tổng mức đầu tư khoảng 22.411,380 tỷ đồng. Dự án thành phần 2, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh trên địa bàn TP Thủ Đức (99,814 ha), huyện Hóc Môn (98,892 ha), huyện Củ Chi (65,269 ha), huyện Bình Chánh ( 145,908 ha). Tổng mức đầu tư 18.975,438 tỷ đồng.
Khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM), sáng 18-6. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chiều dài khoảng 53,7km (tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2km; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 19,5 km), trong đó điểm đầu nối với tuyến tránh QL 1A đoạn tránh TP Biên Hòa, vị trí cách ngã ba Vũng Tàu 6,5km (cách điểm giao giữa tuyến tránh Biên Hòa với Quốc lộ 51 khoảng 1,5 km); điểm cuối tại nút giao với QL 56 thuộc TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giai đoạn 1, dự án có quy mô 4- 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, trong đó đoạn 1 từ điểm đầu dự án đến nút giao Long Thành và đoạn 3 từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 24,75m đến 27,00m; đoạn 2 từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp quy mô 06 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường từ 32,25m đến 34,5m.
Phối cảnh dự án đường Vành đai 3 TPHCM |
Trong giai đoạn hoàn thiện sẽ thực hiện mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe cao tốc. Tổng mức đầu tư là 17.837 tỷ đồng, được đầu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, chia làm 3 dự án thành phần.
Cụ thể, dự án thành phần 1 (Km0 - Kml6) với chiều dài khoảng 16 km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư 6.240 tỷ đồng do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ quản; dự án thành phần 2 (Km16 - Km34+200) với chiều dài khoảng 18,2 km, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư 6.407 tỷ đồng do Bộ GTVT làm chủ quản; dự án thành phần 3 (Km34+200 - Km53+700) với chiều dài khoảng 19,5 km, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng mức đầu tư 5.190 tỷ đồng do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ quản.
Phối cảnh dự án đường Vành đai 3 TPHCM |
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 điểm đầu tại nút giao giữa QL26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (khoảng Km12+450), tỉnh Đắk Lắk. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 117,5km (tỉnh Khánh Hòa 32,7km; tỉnh Đắk Lắk 84,8km).
Giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m. Tốc độ 80-100km/giờ. Tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, được chia làm 3 dự án thành phần.