Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng (ngân sách Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế 50%). Thời gian thực hiện 2 năm, trên diện tích sử dụng khoảng 6.500m2, thuộc nhóm C, loại công trình dân dụng cấp III.
Địa điểm xây dựng tại đỉnh đèo Hải Vân, giữa thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Theo quy mô đầu tư và phương án xây dựng, toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan sẽ được tháo dỡ đến nền gốc tích thời Nguyễn; tu bổ cửa Hải Vân Quan, cửa Thiên hạ đệ nhất hùng quan theo các dấu tích nguyên gốc. Phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá, tường xây gạch vồ. Gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây; phục hồi lan can xây gạch vồ chia ô hộc và trang trí trên nóc theo tư liệu; phục hồi hệ thống cửa ván ghép con tiện gỗ.
Hệ thống tường thành nhà Nguyễn sẽ được phục hồi bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và dấu vết trên tường hông Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Gia cố toàn bộ hệ thống chân tường thành bằng vữa neo, các vị trí xung yếu gia cố bằng bê tông. Phục hồi thân tường theo các đoạn nguyên gốc được khảo cổ. Phía trong tính từ mặt tường và các khu vực chân móng được gia cố khối xây vữa truyền thống tăng cường khả năng cố kết và chịu lực của tường…
Dự án cũng phục hồi nhiều hạng mục của nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố; tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía thành phố Đà Nẵng; tuyến đường Thiên Lý từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi tỉnh Thừa Thiên - Huế; sân đường giữa Hải Vân Quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan; kè phân thủy và chống sạt, chống trượt hướng Đông Bắc di tích; các lô cốt; bia Chiến Thắng Đồn Nhất…
Sau khi có kết quả khai quật khảo cổ, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp xây dựng quy chế quản lý bảo tồn và tổ chức hội thảo nghiên cứu để có giải pháp bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích một cách hợp lý nhất.