Vào tháng 7-2017, trong quá trình thi công hút cát làm cảng nước sâu và tạo bãi xây dựng cảng tại vùng biển Dung Quất (thuộc thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) của Công ty TNHH MTV Hào Hưng (Công ty Hào Hưng), công nhân đã phát hiện nhiều mảnh gốm sứ và mảnh gỗ nhỏ theo ống hút chảy tràn ra bãi.
Nhận được thông tin, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp kiểm tra hiện trường, khoanh vùng phát hiện và bố trí bảo vệ hiện trường.
Chiều nay, Bảo tàng Lịch Sử Quốc gia đã chính thức khởi công công trình khai quật tàu cổ Dung Quất tại Quảng Ngãi sau gần 1 năm bảo vệ tàu cổ này.
Tại lễ khởi công, ông Phan Đình Độ, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi công bố các quyết định về việc khai quật tàu cổ.
Theo quyết định này, cho phép Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi khai quật tàu cổ Dung Quất trong phạm vi bán kính 100m từ vị trí tàu đắm Dung Quất tại tọa độ 15023’44’’ vĩ độ Bắc, 108047’48’’ kinh độ Đông, khu vực cảng chuyên dùng số 3 của Công ty Hào Hưng với diện tích 800m2.
Thời gian khai quật từ ngày 29-6 đến 15-9, thời gian thu dọn và hoàn trả mặt bằng là 15 ngày; thời gian xử lý thống kê phân loại, giám định hiện vật là 150 ngày kể từ sau khi kết thúc khai quật.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, việc phát hiện và khai quật tàu cổ đắm có ý nghĩa về mặt khảo cổ học và cũng là bằng chứng có ý nghĩa thực thi Luật Di sản, bằng chứng trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản biển, hải đảo Việt Nam.
Ông cho biết, với tư cách tư vấn và hỗ trợ cùng với các đồng nghiệp tham gia vào quá trình khảo cổ học, đây là một sự kiện quan trọng cũng như là một thử thách lớn mở ra một chương mới cho ngành khảo cổ học của Việt Nam. Điều đó khẳng định giới khảo cổ học Việt Nam có đủ điều kiện và trình độ phát huy vai trò khảo cổ học đồng hành cùng quá trình phát triển và xây dựng đất nước.
TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi trong 1 năm qua khi đã đảm bảo các cổ vật được an toàn dưới nước, mặc dù có những khó khăn do thời tiết không thuận lợi như mưa bão đã làm kế hoạch khai quật bị trì hoãn.
TS. Nguyễn Văn Cường cho biết: “Tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất là con tàu thứ 7 được phát hiện và khai quật tại Việt Nam. Trước đó, các con tàu khác được phát hiện tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Vũng Tàu, Cà Mau. Chúng ta đã làm việc tích cực để nhanh chóng tiến hành khai quật sau 1 năm”.
TS. Cường cho biết thêm, với các 6 con tàu trước Việt Nam phải chờ các chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ thì giờ đây, Nhà nước đã tạo điều kiện để tiến hành khai quật bởi các chuyên gia khảo cổ học trong nước.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các ban, ngành đã phối hợp đảm bảo về mặt kỹ thuật, chuyên môn, an ninh, xây dựng nội quy tại công trường Công ty Hào Hưng để đảm bảo an toàn tàu cổ.
Dự kiến đến tháng 12-2019, sẽ hoàn thành báo cáo khoa học kết quả khai quật tàu cổ Dung Quất trình các cơ quan chức năng.