Đây là ba gói thầu xây lắp cuối cùng thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, là một dự án thành phần trong dự án cao tốc Bắc Nam phía đông, được Bộ GT-VT phê duyệt đầu tư tại quyết định số 2925/QĐ-BGTVT ngày 8-10-2010 và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Dự án đã dược Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng vào ngày 19-7-2014, dự kiến hoàn thành năm 2020. Khi hoàn thành dự án đóng vai trò là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ, khai thác thế mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và du lịch của TPHCM, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh đó, khi tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành được kết nối thông suốt với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Dây, cao tốc TPHCM - Trung Lương sẽ hình thành tuyến cao tốc liên vùng, đáp ứng sự mong đợi của người dân; tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnomphenh, TPHCM - Vũng Tàu.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông vận tải là mạch máu của nền kinh tế, quốc gia nào có hệ thống giao thông tốt thì quốc gia đó có tiền đề để phát triển kinh tế. Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Á khác đã phát triển đột phá nhờ có hệ thống đường cao tốc rất phát triển. Việt Nam tuy còn là nước nghèo, nhưng lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã xác định phải có bước phát triển đột phá, giao thông phải đi trước một bước để tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội.
Dự án có chiều dài 57,7km đi qua các tỉnh Long An, TPHCM và tỉnh Đồng Nai, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h.
Do dự án đi qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp nhiều sông ngòi, vùng sình lầy cùng khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ vì thế sẽ xây dựng trên 20km cầu và cầu cạn trong đó đặc biệt có hai cầu lớn có kết cấu dây văng là cầu Bình Khánh (vượt sông Xoài Rạch) dài 2,76km nối huyện Nhà Bè và Huyện Cần Giờ của TPHCM, có khẩu độ nhịp chính dài 375m; cầu Phước Khánh vượt sông Lòng Tàu dài 3,186km, nối huyện Cần Giờ TPHCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có khẩu độ nhịp chính dài 300m. Cả hai cầu có tỉnh độ không thông thuyền 55m - độ tỉnh không lớn nhất Việt Nam tính tới thời điểm hiện nay.
Dự án sẽ xây dựng sáu nút giao, hàng trăm hầm chui dân sinh, cống thoát nước cùng các công trình phụ trợ đảm bảo quá trình khai thác như: trung tâm điều hành giao thông( ITS), trung tâm vận hành/ bảo trì, trạm dịch vụ, trạm thu phí...