Phối hợp tầm quốc tế
Diễn đàn do Liên đoàn Arab (AL) và mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Arab tổ chức, có sự phối hợp với Bộ Môi trường Ai Cập, Chương trình Phát triển vùng vịnh Arab (AGFUND) và Hội đồng Arab vì tuổi thơ và phát triển (ACFCD), với mục đích góp phần hỗ trợ các hành động quốc tế và khu vực để chống lại biến đổi khí hậu. Đây là một phần trong quá trình chuẩn bị của Ai Cập cho Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), được tổ chức từ ngày 6 đến 18-11 tại thành phố Sharm El-Sheikh, Ai Cập.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Môi trường Ai Cập Yasmine Fouad nhấn mạnh về tầm quan trọng của diễn đàn trong việc hỗ trợ những nỗ lực của các nước Arab nhằm giải quyết tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, trợ lý Tổng Thư ký AL Haifa Abu-Ghazaleh khẳng định, vấn đề biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu của AL và tổ chức này luôn chú ý đến việc thảo luận về những tác động của biến đổi khí hậu đối với các xã hội Arab. Về phần mình, Hoàng tử Abdulaziz bin Talal Al-Saud của Saudi Arabia cho rằng, việc đối mặt với những thách thức về khí hậu và phát triển các kế hoạch, giải pháp trước khi tình hình xấu đi không phải là một lựa chọn, mà là một trách nhiệm lịch sử đòi hỏi sự liên minh. Ông Abdulaziz nêu các chỉ số đáng báo động như hơn 40% dân số thế giới sống ở những nơi rất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; gần 1/2 dân số thế giới bị khan hiếm nước trầm trọng vào các thời điểm khác nhau trong năm và biến đổi khí hậu đã làm giảm tốc độ tăng trưởng cũng như năng suất của ngành nông nghiệp ở nhiều quốc gia.
Diễn đàn tập trung vào 6 chủ đề thảo luận, gồm: biến đổi khí hậu và các giải pháp mang tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương nhất, khuyến khích các công nghệ đổi mới sáng tạo, tác động của biến đổi khí hậu với các hoạt động kinh tế, sự hòa nhập của cộng đồng địa phương trong hành động chống lại khí hậu và vai trò của hệ thống chính quyền địa phương trong chuyển đổi xanh.
Mục tiêu hàng đầu
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh các nước Arab coi việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một trong trong những mục tiêu hàng đầu. Các quốc gia Arab phát thải không quá 5% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nhưng khu vực này đang phải hứng chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng và các mối đe dọa đối với các bờ biển Arab, cũng như gia tăng tỷ lệ khô hạn, sa mạc hóa và khan hiếm nước.
Báo cáo nghiên cứu của Liên hiệp quốc cho thấy, dựa trên dữ liệu giai đoạn từ 1981-2019, mức tăng nhiệt độ trung bình mỗi thập niên ở khu vực Trung Đông và Đông Địa Trung Hải là 0,45oC, trong đó mức tăng trung bình toàn cầu là 0,27oC. Nếu không có những thay đổi mang tính bền vững, dự báo khu vực Trung Đông sẽ nóng lên 5oC vào cuối thế kỷ này, có thể vượt ngưỡng quan trọng đối với khả năng thích ứng của con người tại một số quốc gia. Liên hiệp quốc cũng cảnh báo thu hoạch nông nghiệp trong khu vực có thể giảm 30% đến năm 2025. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2050, Trung Đông dự kiến mất 6-14% GDP vì khan hiếm nước.
Một số nước Arab đã triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đi đầu là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khi cam kết đầu tư hơn 160 tỷ USD vào năng lượng tái tạo để đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong khi đó, Ai Cập đang đầu tư vào các kỹ thuật tưới tiêu hiện đại, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Saudi Arabia cũng công bố 2 sáng kiến mang tên “Saudi Arabia xanh” và “Trung Đông xanh”, với những dự án rõ ràng, đầy tham vọng, đặc biệt là kế hoạch trồng rừng quy mô lớn nhất thế giới.