Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 6-7 đã phục hồi gần 19 điểm sau khi rớt khỏi mốc 900 điểm trong phiên trước, nhưng tính từ khi lập đỉnh trong phiên ngày 9-4 với 1.204 điểm đến nay, VN-Index đã “bốc hơi” gần 300 điểm, tương ứng giảm 25% so với đỉnh, tương đương mất hơn 30 tỷ USD chỉ trong hơn 2 tháng và trở thành thị trường có diễn biến tệ nhất trên thế giới trong cùng giai đoạn.
Lao đao vì chứng khoán
Thống kê của IndexQ, trong quý 2-2018, TTCK Việt Nam là thị trường dẫn đầu về mức độ giảm điểm trên thế giới với gần 18% khi VN-Index lao dốc từ 1.174,46 điểm xuống 960,78 điểm trong phiên giao dịch cuối tháng 6 (sau đó là Trung Quốc có chỉ số Shanghai giảm gần 9,91%, Thái Lan giảm 9,7%, Philippines giảm 9,85%). Và tính đến hết tuần giao dịch đầu tiên trong tháng 7, VN-Index đã giảm xuống chỉ còn 917 điểm.
Trong khi 3 tháng đầu năm 2018 VN-Index là chỉ số tăng mạnh nhất thế giới với hơn 19% thì 3 tháng sau đó, chỉ số đã giảm gần như hết phần tăng và trở thành chỉ số giảm mạnh nhất thế giới trong quý 2-2018. Từ đầu năm 2018 đến nay, VN-Index đã liên tục thử thách ở mốc 900 điểm và đã lọt mốc này 2 lần, mới nhất là ngày 3-7 vừa qua. Với sự khốc liệt này, không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà ngay cả những quỹ đầu tư lớn cũng lao đao theo sóng của thị trường. Không những thành quả trong 3 tháng đầu năm mà cả phần lợi nhuận năm 2017 cũng bị ăn mòn.
Anh Hà Minh, một nhà đầu tư có kinh nghiệm gần 4 năm trên thị trường chứng khoán chia sẻ, chỉ trong 2 tháng qua, tài khoản của anh không chỉ đã mất đi 25% lợi nhuận có được trong cả năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018 mà hiện đang âm gần 30%. Số tiền bị “lõm” trong tài khoản lên đến con số vài tỷ đồng.
Anh Minh cho biết, không ít người trong nhóm đầu tư chung đã âm tài khoản khi liên tục xài margin (dùng đòn bẩy tài chính để mua chứng khoán - PV) trong suốt mấy tháng qua trong khi thị trường vẫn lao dốc. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà thống kê cho thấy, nhiều công ty và quỹ đầu tư tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) âm trên 2% chỉ trong nửa đầu năm 2018. Trong đó, không ít quỹ đầu tư có quy mô vốn “cá mập” trên sàn chứng khoán cũng nếm “trái đắng” khi thị trường quay đầu giảm điểm quá nhanh.
Cụ thể, Công ty đầu tư Hestia trong 6 tháng đầu năm đã giảm 19,4% về giá trị NAV so với đầu năm. Công ty Passion Investment cũng có mức sụt giảm 8,6% NAV. Các quỹ nội khác cũng có mức giảm NAV mạnh như nhóm quỹ Thiên Việt với TVAM TVGF2 và TVAM TVGF1 giảm lần lượt 11,6% và 8,3%. Thậm chí, những đơn vị lớn như Pyn Elite Fund, Dragon Capital VEIL cũng chịu chung cảnh lỗ khi ghi nhận mức độ sụt giảm NAV lần lượt là 5,9% và 3,5% trong 6 tháng đầu năm.
Theo nhận định của Hãng thông tấn Bloomberg, những lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường chứng khoán châu Á. Bên cạnh đó, động thái tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng khiến các nhà đầu tư nâng cao yêu cầu khi đầu tư vào các thị trường rủi ro như chứng khoán tại châu Á.
Lý giải về sự giảm mạnh của TTCK Việt Nam trong thời gian qua, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc khối ngoại rút khỏi thị trường châu Á nói chung, trong đó có Việt Nam là do tác động kép của 2 sự kiện cùng xảy ra trong tháng 6-2018, đó là FED tăng lãi suất điều hành và căng thẳng thương mại quốc tế, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tác động kép của 2 sự kiện này đã làm rung động cả thị trường tài chính thế giới. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq của Mỹ giảm mạnh. Đến lượt châu Á, chỉ số Composit của Shanghai (Thượng Hải) đã giảm 6,4% trong tháng 6 và giảm thêm 2,5% trong 2 ngày vừa qua. Thị trường Hàn Quốc và các nước ASEAN cũng đồng loạt giảm. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài gia tăng rút vốn khỏi một số thị trường châu Á, mức rút vốn vào khoảng 22,8 tỷ USD (gồm Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore, Thailand, Indonesia, Philippines).
Trong bối cảnh trên, theo người đứng đầu UBCK, dù được đánh giá là đất nước có kinh tế vĩ mô ổn định nhưng Việt Nam cũng không khỏi bị ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu. Một số quỹ đã bán bớt cổ phiếu và chuyển bớt vốn về nước. Điều đáng nói là động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã tác động mạnh đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Theo ông Trần Văn Dũng, nhiều nhà đầu tư đã phản ứng thái quá với những thông tin về tình hình quốc tế; đồng thời cho rằng khi yếu tố tâm lý chi phối số đông qua đi, mặt bằng giá và giao dịch sẽ ổn định trở lại.
Thị trường đã hấp dẫn hơn
Trong bối cảnh dòng vốn rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi, cận biên trên toàn cầu thì Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thực tế cho thấy, TTCK Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua có nguyên nhân không nhỏ từ giao dịch của khối ngoại. Thống kê của các công ty chứng khoán từ ngày 9-4 đến ngày 5-7 cho thấy, khối ngoại đã mua ròng 23.960 tỷ đồng trên sàn giao dịch TPHCM (HoSE). Tuy vậy, nếu loại trừ 2 thương vụ từ sự thỏa thuận đột biến từ Vinhomes và Yeah1 khi 2 cổ phiếu này lên sàn thì thực chất khối ngoại đã bán ròng khoảng 6.500 tỷ đồng trên sàn này. Con số này rõ ràng không hề nhỏ nên đương nhiên sẽ tác động không tốt đến TTCK Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, áp lực bán ròng của khối ngoại đến từ việc họ bắt đầu chốt lãi khi thị trường tăng nóng. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ việc khối ngoại cơ cấu danh mục nhằm chuẩn bị tiền cho các thương vụ niêm yết lớn như Vinhomes, Techcombank, Yeah1… chứ chưa có dấu hiệu rút sạch vốn ra khỏi TTCK Việt Nam.
Liên quan đến lo ngại về vốn ngoại rút khỏi thị trường trong bối cảnh khối này vẫn tiếp tục bán ròng trên thị trường, góp phần kéo VN-Index mới đây lọt khỏi mốc 900 điểm trong ngày 3-7 vừa qua, ông Trần Văn Dũng thừa nhận dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài có rút trong những ngày gần đây, nhưng nếu nhìn từ đầu năm đến nay thì nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Cụ thể, trong tháng 5, vốn FII vào Việt Nam đạt 700 triệu USD. Đáng lưu ý là trong bối cảnh tình hình phức tạp của tháng 6 vừa qua, khối ngoại vẫn mua ròng 34 triệu USD trên thị trường. Lũy kế từ đầu năm, dòng vốn mua ròng của khối này vẫn đạt 2,28 tỷ USD - con số rất đáng kể so với mức 2,92 tỷ USD của cả năm 2017.
Về việc này, đại diện Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng cho rằng, tuy xu hướng vốn ngoại chảy khỏi các thị trường mới nổi diễn ra mạnh, nhưng trong tháng 6 khối ngoại chỉ bán ròng 4,5 triệu USD tại thị trường Việt Nam, sau khi bơm ròng 1 tỷ USD trong tháng 5. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn HoSE đạt 1,6 tỷ USD là rất tích cực, trong khi tại các thị trường ASEAN khác, khối ngoại đã bán ròng 5,6 tỷ USD tại thị trường Thái Lan, 3,6 tỷ USD tại Indonesia, 1,2 tỷ USD tại Philippines.
Nhận định TTCK thời gian tới, vị này cho rằng, kết quả kinh doanh quý 2-2018 cũng như 2 quý cuối năm của các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ cũng như ngành ngân hàng rất tốt sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là TTCK sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình lạm phát và quan trọng hơn là biến động của tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng 2,1%. Việc Mỹ chính thức áp thuế đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc từ ngày 6-7 đã chính thức khơi mào chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể dẫn đến khủng hoảng tại Trung Quốc và ảnh hưởng đến Việt Nam, từ đó có thể khiến VND tiếp tục trượt giá từ nay đến cuối năm. Mặc dù vậy, vị này cũng cho rằng, sau khi thị trường giảm sốc, các nhà đầu tư hiện vẫn còn lo ngại có phần thái quá nên khó dự đoán khi nào thị trường chấm dứt đợt giảm điểm nhưng với chỉ số hiện nay, định giá đã trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn.
Lãnh đạo Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund cũng cho rằng, mặc dù TTCK Việt Nam đang trong xu hướng giảm nhưng TTCK Việt Nam trong 5 năm qua luôn trong xu hướng tăng giá và nhà đầu tư có thể kỳ vọng điều này tiếp tục diễn ra nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, định giá hợp lý và tăng trưởng lợi nhuận của của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Theo ước tính của Pyn Elite, mục tiêu có tính thực tế của VN-Index sẽ vượt qua đỉnh đã lập trong năm 2018 và trên 1.700 điểm trong các năm tới.