Cơ hội bởi đa dạng hóa nguồn hàng và kênh phân phối, đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đặt ra cho doanh nghiệp nội và kênh phân phối trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Thị trường tiềm năng
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 510.190 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,2%). Trong đó, khu vực thương nghiệp (bán buôn, bán lẻ) ước đạt 327.803 tỷ đồng, tăng 12,7% so cùng kỳ và chiếm 64,25% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Doanh thu các nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Cụ thể: doanh thu nhóm hàng đồ dùng, trang thiết bị gia đình (chiếm 19,9% tổng mức, tăng 14,7%); lương thực - thực phẩm (chiếm 17,6%, tăng 13,7%); nhóm may mặc (chiếm 6,8%, tăng 13,6%); xăng dầu các loại (chiếm 8,5%, tăng 14,4%)…
Với sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 và tăng trưởng ổn định trên 10% trong năm 2018 (3 tháng tăng 12,3%, 6 tháng ước tăng 12,5%), chứng tỏ quy mô thị trường nội địa còn độ mở nhất định để các doanh nghiệp khai thác (thay vì chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn về rào cản kỹ thuật). Đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ và nối tiếp đà tăng trưởng tốt của 2 - 3 năm gần đây.
Các yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ cũng được các chuyên gia kinh tế phân tích là do mức sống ngày càng được nâng cao cùng sự lạc quan về triển vọng thu nhập trong tương lai nên người dân sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn ở hiện tại. Tính bình quân trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên 11%/năm. Chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên do dân số trẻ, đô thị hóa nhanh và nền kinh tế ngày càng mở cửa với cơ hội việc làm, kinh doanh và thu nhập ngày càng tăng.
Ở góc độ khác, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh và cung ứng hàng vào kênh bán lẻ hiện đại (đến nay, TPHCM đã phát triển được 239 chợ, 209 siêu thị, 42 trung tâm thương mại và 1.609 cửa hàng tiện lợi) với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, chất lượng. Hệ thống phân phối ngoại và nội đang đóng góp vào việc thúc đẩy sức mua thông qua hàng loạt chương trình khuyến mại hấp dẫn diễn ra xuyên suốt các đợt nghỉ lễ trong 6 tháng đầu năm tại các siêu thị.
Đồng thuận với quan điểm này, đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết 32.561 hồ sơ đăng ký khuyến mại diễn ra trên địa bàn thành phố. Các chương trình xúc tiến thương mại khác cũng diễn ra rất đa dạng. Sở Công thương cũng tiếp nhận và giải quyết 148 hồ sơ hội chợ, triển lãm thương mại. Đã xác nhận 508 hội chợ, triển lãm thương mại đăng ký tổ chức trên địa bàn thành phố. Trong đó, có 196 hội chợ, triển lãm chuyên ngành và 312 hội chợ, triển lãm và phiên chợ tổng hợp với sự tham gia của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất (trong và ngoài nước) tham gia trưng bày, giới thiệu hàng hóa đến các đối tác và người tiêu dùng.
Tận dụng lợi thế “sân nhà”
Việc hội nhập kinh tế quốc tế cùng làn sóng những nhà bán lẻ quốc tế thâm nhập thị trường Việt Nam là xu thế tất yếu. Vấn đề còn lại chính ở nội lực của doanh nghiệp trong nước và mỗi doanh nghiệp phải chọn cho mình chiến lược với những giải pháp phù hợp mục tiêu, tôn chỉ riêng. Thách thức của doanh nghiệp Việt Nam gặp phải chính là thế mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài, khi họ đã có hàng trăm năm kinh nghiệm. Cùng với lịch sử tư bản, bên cạnh vốn và công nghệ, trình độ quản lý, họ còn có “sức mạnh toàn cầu”. Yếu tố này cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ.
Trước thực tế đó, nhiều nhà bán lẻ Việt Nam cũng có sự chuẩn bị về nguồn lực và chiến lược phù hợp với quy mô và định hướng phát triển để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường nội địa, sẵn sàng cho thách thức và đón đầu những cơ hội từ AEC; biết lưu ý phát huy yếu tố sáng tạo và linh động để cạnh tranh với kinh nghiệm và quy mô của các nhà bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa cần chú trọng tập trung khai thác những phân khúc dựa trên năng lực cốt lõi của mình để không bị thua ngay trên sân nhà. Đồng thời, không quên tập trung yếu tố hàng hóa lưu thông tự do để hướng đến thị trường nước ngoài thông qua việc xuất khẩu mở rộng thị phần.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp nội chính là yếu tố “sân nhà”, tức chúng ta hiểu thị trường, biết người Việt muốn gì và chúng ta sẽ phục vụ trước cho người Việt, mang đến nhanh nhất những gì họ cần. Trước khi nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt, khối nội cần đẩy nhanh tốc độ hơn nữa. Theo đó, có 3 điều chính mà các nhà bán lẻ Việt Nam cần thực hiện mạnh mẽ để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình.
Thứ nhất, doanh nghiệp nên tập trung nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, thái độ phục vụ chuyên nghiệp; chương trình chăm sóc khách hàng triển khai chu đáo… và phải coi người tiêu dùng là trung tâm phục vụ. Đây là yếu tố tiên quyết, quyết định sự thành công của các nhà bán lẻ. Thứ hai, hợp tác với các nhà sản xuất, kể cả nông dân để sản xuất và cung cấp hàng hóa; qua đó, giảm chi phí và tăng sức cạnh tranh. Và cuối cùng, cần bắt tay liên kết xây dựng hệ thống bán lẻ hùng mạnh với chính sách giá hướng đến người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng cần mở rộng hệ thống phân phối tại vùng nông thôn vì đây là thị trường nhiều tiềm năng nhưng còn đang bị bỏ ngỏ.
Riêng Saigon Co.op, với hệ thống đa dạng của mô hình bán lẻ như siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng Co.op, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op; nay có thêm Co.op Smile và Cheers vẫn đang tiếp tục mở rộng sẽ được kết hợp với công tác chuyên nghiệp hóa về chuỗi cung ứng và logistics cũng như các hoạt động hỗ trợ khác để tạo vị thế cạnh tranh riêng.