Hiện tượng bất thường
Những ngày này, biển Thừa Thiên - Huế nước xanh biếc, trời yên ả, lặng gió, nhưng rất nhiều tàu cá của ngư dân đành nằm bờ vì cá nóc xuất hiện nhiều chưa từng thấy. Ông Trần Văn Chiến (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chủ tàu cá vỏ thép TTH.99999 TS) nói, những năm trước, cá nóc chỉ ăn thưa thớt ở khu vực ven bờ biển, nay từ bờ đến khơi xa, cá nóc dày đặc. Bình quân một tàu đánh bắt được 1 tấn hải sản như cá nục, cá trích, cá hố... thì trong đó có gần một tạ cá nóc.
“Lưới cụ bủa vây được cá tôm, chưa kịp kéo lên thuyền, cá nóc ập đến dùng răng sắc bén cắn lưới, lao vào đớp con mồi… Ngoài những con cá thu, cá hố đắt tiền bị cá nóc cắn đớp nham nhở, giảm 2/3 giá trị, cá còn lại trong lưới thoát ra ngoài qua đường lưới cụ bị cá nóc cắn đứt”. Ông Chiến còn cho biết thêm: “Cá nóc cắn phá ngư lưới cụ khiến nhiều tàu cá thiệt hại từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến đi biển. Thu không đủ chi nên bà con đành kéo thuyền vào nằm bờ giữa lúc trời êm biển lặng”.
Ông Mai Văn Thanh (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), than thở nghề câu không còn cách nào thích nghi với nạn cá nóc: “Thả câu chỗ nào thì cá nóc vây chỗ đó, chỉ trong tích tắc là bị chúng cắn sạch cả trăm lưỡi câu; nhất là cá nóc hệ, nóc thu to bằng cổ tay. Không những vậy, mồi câu, lưỡi câu, cước chì, lưới vây của thuyền câu, thuyền vây đánh bắt trên biển cũng bị cắn đứt, phá nát, gây thiệt hại nặng nề về ngư cụ và năng suất đánh bắt”.
Cá nóc xuất hiện nhiều thời gian qua tại vùng biển miền Trung là loại bốn răng Tetraodontidae. Miệng cá bé nhưng răng khỏe; xương hàm và xương gần hàm gắn liền với nhau thành mỏ cứng, thích nghi với các loài thức ăn có vỏ cứng. Đặc biệt, độc tố trong cá nóc có thành phần tetrodotoxins, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm. Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định đây là hiện tượng bất thường. Hàng chục năm nay chưa khi nào cá nóc xuất hiện nhiều như thời điểm hiện tại. Trước mắt, chi cục hướng dẫn ngư dân tuyệt đối không sử dụng cá nóc làm thực phẩm vì nguy hiểm đến tính mạng. Chi cục đang theo dõi, tìm hiểu nguyên nhân về sự xuất hiện bất thường này.
Bất lực với nạn giã cào bay
Tàu giã cào tác oai, tác quái trên vùng bờ biển ven bờ miền Trung vào ban đêm, gần đây lại xuất hiện cả ban ngày.
Ngư dân Nguyễn Văn Tam (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cho biết, phương thức hoạt động của tàu giã cào là hai tàu công suất lớn trên 90CV chạy song song và kéo theo một tấm lưới, đáy lưới gắn dây sắt nặng để có thể cào sâu tận đáy biển. Mắt lưới giã cào rất nhỏ nên bất cứ thứ gì trên đường đi như tôm, cá, ốc, ghẹ... đều bị đánh bắt hết. “Nguồn lợi thủy sản ven biển đang dần phục hồi sau sự cố môi trường biển thì nạn giã cào bay khiến không có con tôm, con cá nào sống sót”, ngư dân Tam xót xa.
Sau 3 ngày truy đuổi, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã bắt được 2 tàu giã cào QNg 92222 TS và QNg 97001 TS do ông Phạm Văn Sơn (Quảng Ngãi) làm chủ. Trước đó, vào ngày 5-9, 2 tàu giã cào này đang khai thác hải sản trái phép ven bờ biển Quảng Trị đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Qua quá trình điều tra, ông Sơn thừa nhận và ký vào hải đồ tại vị trí vi phạm pháp luật khi cho tàu khai thác không đúng tuyến quy định. Song khi cơ quan chức năng lai dắt tàu giã cào này vào bờ để xử lý thì 2 tàu giã cào nói trên lợi dụng trời tối kèm mưa to, gió lớn, sóng mạnh, cắt dây lái tàu vi phạm bỏ trốn.
Gặp chúng tôi, ngư dân Trần Anh (xã Triệu Lăng) còn nhớ như in cái đêm suýt mất mạng vì tàu giã cào. “Khoảng 10 giờ tối, tôi đang bỏ neo để câu mực, thì có tàu giã cào xuống sát tàu của tôi. Tôi đã bật đèn tín hiệu, nhưng khi kéo căng giã ra thì đôi tàu giã cào kéo neo khiến tàu câu mực của tôi chìm luôn xuống biển”. May mắn, tàu của anh Trần Bình (cùng quê với anh Anh) phát hiện nên đến cứu, còn tàu giã cào gây tai nạn thì tháo chạy.
"Các đội tàu giã cào hoạt động nhiều năm qua nhưng đến nay trở nên manh động, công khai rầm rộ hơn. Theo ghi nhận, các tàu này đều thuộc các địa phương khác như Bình Định, Quảng Nam và nhiều nhất là Quảng Ngãi. Chúng hoạt động theo nhóm, có những ngày hơn 20 chiếc với công suất lớn, cuốn luôn cả ngư lưới cụ của ngư dân xã Phú Thuận và các xã lân cận. Tinh vi hơn, nhóm này còn cử một chiếc tàu riêng làm nhiệm vụ cảnh báo từ xa, khi thấy bóng cơ quan chức năng là thông báo cho đội tàu còn lại biết, khiến việc tuần tra xử lý gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An tiến hành bắt giữ được 4 tàu giã cào và phạt hành chính với số tiền hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, các tàu này hoạt động theo nhóm và sẵn sàng nộp tiền phạt cho tàu nào bị cơ quan chức năng bắt giữ”, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) phân trần.