Nếu không thi thì phải báo cáo Quốc hội
Về vấn đề lớn mà xã hội rất quan tâm là kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT đề xuất, với tình hình như hiện nay, các thí sinh ở những địa phương có cách ly xã hội hay thuộc diện F1, F2 thì bộ sẽ có phương án tổ chức thi sau, bảo đảm quyền lợi cho học sinh và chỉ đạo các trường đại học có phương án tuyển sinh phù hợp.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) cho biết thêm, Thủ tướng quyết định thi theo luật, còn việc thi thế nào là do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định, nhất là có phương án cho Đà Nẵng, Quảng Nam. Vì đây là kỳ thi sử dụng kết quả để xét tuyển vào đại học nên phải bảo đảm quyền lợi cho các em học sinh, không thể lùi được.
Về các ý kiến tại sao không hủy thi, xét đặc cách tốt nghiệp cho học sinh cả nước, ông Mai Tiến Dũng cho biết, về căn cứ pháp lý, kỳ thi đã được luật định, nếu xét đặc cách thì phải báo cáo Quốc hội. Còn về quyền lợi của thí sinh, nếu đặc cách tốt nghiệp cho các em thì những thí sinh đăng ký đại học sẽ không được bảo đảm quyền lợi, công bằng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết thêm, học sinh Đà Nẵng, Quảng Nam thi vào thời điểm nào do địa phương đề xuất khi dịch đã được kiểm soát; các tỉnh còn lại thi bảo đảm an toàn, có phương án phòng chống dịch.
“Dù thi 2 đợt nhưng Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường đại học phân bổ tỷ lệ xét tuyển để bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh thi đợt sau”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Khoanh vùng vừa đủ để dập dịch và phát triển kinh tế
Về đề xuất của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 2-8 về phòng chống dịch Covid-19 kiến nghị áp dụng áp dụng biện pháp phong tỏa hoàn toàn Đà Nẵng như ở Vũ Hán (Trung Quốc), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, khi phát hiện ca nhiễm ở Đà Nẵng, dù là ngày nghỉ, Thủ tướng, Chính phủ đã họp để chỉ đạo ngay. Toàn bộ các đối tượng có nguy cơ ở Đà Nẵng được giám sát, khuyến cáo người dân không đến vùng dịch Đà Nẵng nếu không có việc quan trọng. Quan điểm chung của Chính phủ là khoanh vùng, dập ổ dịch. Còn những nơi khác, không phải ổ dịch thì chúng ta không phong tỏa. Ví dụ, phát hiện hiện 1 ca nhiễm ở Thái Bình thì chỉ khoanh vùng ở thôn có người nhiễm.
“Chúng ta khoanh vùng với bán kính vừa đủ để dập dịch, nhưng vẫn bảo đảm thông thương kinh tế, thực hiện mục tiêu kép. Các quốc gia cũng áp dụng chiến lược mục tiêu kép. Do đó, thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội như thế nào cần tính toán kỹ lưỡng. Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội hồi tháng 4 là do lúc đó chúng ta đang lên đỉnh dịch trong toàn quốc”, ông Mai Tiến Dũng nêu, và cho biết Thủ tướng sẽ nghiên cứu ý kiến của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng nói: "sẽ tiếp thu, nghiên cứu đề xuất của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân để áp dụng phù hợp với điều kiện tình hình dịch bệnh ở Việt Nam".
Về câu hỏi bao giờ gỡ được lệnh phong tỏa Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, tình hình đang trong tầm kiểm soát rất tốt, truy vết rất quyết liệt, thu dung để không lây lan.
“Hy vọng sẽ sớm tháo gỡ được lệnh phong tỏa. Hiện nay, số người cách ly rất đông, một số trung tâm cách ly đã quá tải, Bộ Y tế cũng đã có các phương án để cách ly ở gia đình. Khi tình hình cần kíp, có ý kiến của Ban chỉ đạo thì Bộ Y tế sẽ tiến hành cách ly tại gia đình ở Đà Nẵng”, ông Trương Quốc Cường cho hay.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cũng cho biết, bộ cũng đã dự báo nếu có làn sóng dịch thứ hai thì tác động đến nền kinh tế rất nghiêm trọng. Giãn cách xã hội hồi tháng 4 đã khiến tăng trưởng quý 2 rất thấp với mức 0,3%. Ngay khi dịch quay lại Đà Nẵng thì ngành du lịch, vận tải, hàng không đã bị tác động nặng nề, hủy tour, hủy hợp đồng.
“Ở đợt hai này, Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo không để dịch lây lan rộng. Chính phủ chỉ áp dụng giãn cách xã hội, khoanh vùng dịch ở những địa bàn có nguy cơ; tập trung mọi lực lượng để thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT nói.
Về tình trạng nhập cảnh trái phép trong thời gian qua, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết có 2 loại đối tượng: người Trung Quốc nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam, không có visa, hoặc số bà con ta đi lao động làm việc ở các nước láng giềng trở lại. Hiện nay, Trung Quốc xảy ra thiên tai liên tục, dịch Covid-19 cũng trở lại, do đó có một lượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việc Nam để tìm việc hoặc đi du lịch, một số nữa lại đi qua Việt Nam để sang Campuchia đánh bài.
Từ đầu năm đến nay, 27/63 địa phương có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép với tổng số 504 người. Cụ thể, An Giang có 44 trường hợp, Bắc Ninh có 35, Đà Nẵng có 78, TPHCM có 12, Lai Châu có 36, Lạng Sơn có 29, Quảng Ninh có 126 và Tây Ninh có 32. Từ tháng 6 đến nay, lực lượng công an và các địa phương đã phát hiện 21 vụ với 177 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Đã khởi tố 5 vụ với 19 đối tượng Việt Nam và 1 đối tượng Trung Quốc tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, còn một bộ phận bà con đi lao động “chui” ở Trung Quốc, nay trở về nước qua đường mòn, lối mở.