Khoanh nợ, giãn nợ hỗ trợ nông dân

Cơn bão số 3 đã gây ra những tổn thất lớn về người và tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Để khôi phục sản xuất và đảm bảo nguồn cung lương thực - thực phẩm, cần nhanh chóng có những giải pháp hỗ trợ nông dân, bao gồm các chính sách khoanh nợ, giãn nợ.

Tại các địa phương từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang đến Hải Dương, Hà Nam, Hà Nội…, các vườn cây ăn trái, đồng lúa, trang trại chăn nuôi đều bị thiệt hại nghiêm trọng. Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), ông Hoàng Ngọc Đoàn, chủ một trang trại gà, cho biết, đã mất hơn 80.000 con gà chỉ trong vài giờ do nước lũ dâng nhanh. Gia đình ông đang nợ ngân hàng 20 tỷ đồng và mong nhận được sự hỗ trợ để tái sản xuất, duy trì công việc cho 15 lao động.

R5b.jpg
Một người dân nhìn ao cá, ruộng đồng, hoa màu chìm sâu dưới 2-4m nước tại xã Mai Đình (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang - ảnh chụp ngày 12-9)

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cập nhật đến ngày 17-9, diện tích lúa bị ngập úng lên tới 200.248ha, trong đó chịu thiệt hại nặng nề nhất là Hải Phòng (25.561ha), Hà Nội (36.679ha) và Nam Định (18.102ha). Đồng thời, hơn 50.000ha hoa màu cũng bị hủy hoại, 61.089ha cây ăn trái bị hư hỏng. Bên cạnh đó, hơn 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản và hàng triệu con gia súc, gia cầm đã bị cuốn trôi hoặc chết, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi và thủy sản.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, tổng thiệt hại trong ngành thủy sản và chăn nuôi ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng. Những trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và cơ sở nuôi trồng thủy sản đều đang đứng trước bờ vực phá sản, vì hầu hết đều vay vốn lớn để đầu tư sản xuất.

Để khôi phục sản xuất nông nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN-PTNT đã đề xuất Chính phủ ban hành một nghị quyết chuyên đề, nhằm hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp vượt qua khó khăn. Nghị định 02/2017/NĐ-CP hiện tại không còn phù hợp với tình hình mới, do đó cần có chính sách mới nhằm hỗ trợ tái thiết sản xuất sau thiên tai. Trong đó, Bộ NN-PTNT đề nghị giải pháp khoanh nợ, giãn nợ và hỗ trợ lãi suất từ phía các ngân hàng để người dân có thể ổn định và tiếp tục sản xuất.

Bộ NN-PTNT cũng sẽ phối hợp các địa phương và doanh nghiệp để cung cấp giống cây trồng, vật tư sản xuất và thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, các kỹ thuật chăn nuôi và nuôi trồng mới cũng sẽ được hướng dẫn để nâng cao khả năng phục hồi sản xuất sau bão lũ.

Mặc dù thiệt hại là rất lớn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng rằng ngành nông nghiệp có thể khôi phục kịp thời trước Tết Nguyên đán, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm. Theo ông, gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu mất 3 tháng, còn vịt ngan chỉ cần khoảng 40-50 ngày để đạt sản lượng. Đây là cơ hội để ngành chăn nuôi nhanh chóng tái thiết và đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm.

Các biện pháp phục hồi nhanh chóng và chính sách hỗ trợ hợp lý từ Chính phủ sẽ là chìa khóa giúp người nông dân vượt qua khó khăn hiện tại, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho cả nước trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục