Những nụ cười ở lại
Ấn tượng với nụ cười của cụ bà trong tập sách ảnh Cười - Smile của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, chị Đặng Nguyễn Tuyết Trâm (36 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ: “Mỗi nụ cười đều có một vẻ đẹp riêng, nhưng tôi thích ngắm nhìn nụ cười của các ông - bà cụ. Trên khuôn mặt hằn nếp thời gian, một nụ cười mang lại cho người xem cảm giác hiền hòa, sâu sắc những cảm xúc buồn - vui - hạnh phúc đã đi qua trong đời, một nụ cười rất viên mãn”.
Sách ảnh Cười - Smile với 108 bức ảnh nụ cười Việt Nam, được nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong thực hiện trong hơn 10 năm, ghi lại những nụ cười trên khắp mọi miền đất nước. Anh chia sẻ: “Mọi thứ đến với tôi như một nhân duyên, Cười - Smile là một trong những dự án mà tôi thích và đầu tư thời gian lâu dài. Nụ cười từ trẻ nhỏ đến người già, mọi tầng lớp nhân dân, vô tư, lạc quan, chân chất, bình dị, gần gũi. Đây cũng là nét đặc trưng, rất riêng của con người Việt Nam. Chính từ đó đã mang đến cho tôi nhiều cảm hứng, cảm xúc để theo đuổi thực hiện dự án ảnh này”.
Mỗi hình ảnh trong tập sách ảnh như một câu chuyện với nhiều yêu thương từ người trong cuộc, qua lăng kính rung cảm của nhiếp ảnh gia. Nụ cười hạnh phúc của cặp đôi chú rể Hồng Lợi (vận động viên khuyết tật) và cô dâu Tường Nghĩa (nhà thiết kế). Nụ cười tràn đầy năng lượng của bạn trẻ trong màu áo mùa hè xanh. Nụ cười vất vả của người lao động, hay đám trẻ con vui cười, nô đùa vô tư…
“Thực hiện những bộ ảnh dung dị về cuộc sống quanh mình, tôi chẳng gặp chút khó khăn nào, có chăng đó là việc phải tìm cách thể hiện sao cho mới lạ, không lặp lại chính mình từ bộ ảnh. Tôi cũng không áp dụng kỹ thuật, hậu kỳ gì đặc biệt, vì bản thân những bức ảnh đó đều tự nhiên, mang một nét đẹp mộc mạc nhưng cũng rất riêng mà kỹ thuật nhiếp ảnh không thể thay thế được”, nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ.
Tự hào Việt Nam
Nhiếp ảnh cũng như nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác - kết nối với cuộc sống thông qua tác phẩm. Sách ảnh Hành trình cùng Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-đăng của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á với hơn 300 bức ảnh, ghi lại hành trình nhiếp ảnh gia đồng hành cùng các chiến sĩ. Mỗi bức ảnh không chỉ là câu chuyện của chiến sĩ mũ nồi xanh làm nhiệm vụ quốc tế tại Nam Xu-đăng, ở đó còn có niềm tự hào hai tiếng Việt Nam nghĩa tình trong mắt bạn bè năm châu.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chia sẻ: Đến Nam Xu-đăng là một cơ hội quý giá và hiếm hoi trong đời, ngày nhận được quyết định từ Bộ Quốc phòng được phép đi theo đoàn, tôi xúc động đến bật khóc. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hết mình, hoạt động hết khả năng để có càng nhiều hình ảnh tư liệu càng tốt, phần nào góp sức khắc họa hình ảnh về con người Việt Nam đang thông qua tổ chức Liên hiệp quốc chung tay giúp đỡ bạn bè quốc tế. Những ngày ở Nam Xu-đăng, mỗi lần gặp đoàn Việt Nam, người dân ở đây luôn nở nụ cười và nói với chúng tôi: “Việt Nam good, Việt Nam number one”.
Những hình ảnh được nhiếp ảnh gia Nguyễn Á ghi lại trong sách ảnh như kể một câu chuyện về chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam với nhiệm vụ quốc tế vừa chuyên nghiệp nhưng cũng đong đầy yêu thương và tự hào. Tại bệnh viện dã chiến của Việt Nam đóng tại Bentiu, lực lượng y tế bận rộn liên tục từ sáng đến chiều. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ, phút nghỉ ngơi trong ngày, họ còn chăm sóc vườn cây xanh để phần ăn thêm phong phú và sắp xếp rèn luyện thể dục thể thao ngoài giờ làm việc.
Không chỉ có nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn, tinh thần Việt Nam còn lan tỏa yêu thương, sẻ chia qua nhiều phần việc như hỗ trợ người dân địa phương bảo trì nguồn nước sạch, kiểm tra sửa chữa máy phát điện, trồng rau xanh cải thiện bữa ăn trong thời tiết khô hạn, trao quà các em nhỏ, dạy các em học hay giao lưu văn hóa với người dân địa phương…
Mỗi lĩnh vực nghệ thuật có ngôn ngữ khác nhau, với nhiếp ảnh, đó là câu chuyện được kể bằng những khoảnh khắc mà người cầm máy buộc thời gian ngừng lại. Có những tấm hình là khoảnh khắc ngẫu hứng, cũng có khung hình là những điều dung dị trong đời như một nụ cười, ánh mắt… và chất chứa cả một niềm tự hào hai tiếng Việt Nam.