Khoảng trống với dữ liệu cá nhân

Tình trạng lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân đang là vấn đề đáng báo động. Việc để lộ thông tin cá nhân không hẳn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của người dân mà còn từ các đối tượng mua bán, lấy cắp thông tin cá nhân.

Chẳng hạn như vụ 30.000 dữ liệu cá nhân của giáo viên công tác tại nhiều cơ sở giáo dục tại các tỉnh thành, địa phương trên cả nước bị chia sẻ và rao bán trên mạng. Một số vụ việc khác như Công ty VNG để lộ hơn 163 triệu tài khoản khách hàng; Công ty Thế giới di động và Điện máy xanh để lộ hơn 5 triệu email và hàng chục ngàn thông tin thẻ thanh toán như Visa, thẻ tín dụng của khách hàng...

Mặc dù cơ quan chức năng đã xử lý, thậm chí phạt tù các đối tượng mua bán, lấy cắp thông tin cá nhân, nhưng thực trạng mua bán dữ liệu cá nhân không hề giảm. Riêng năm 2023, Bộ Công an đã phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ việc lộ mất, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng.

Những con số trên có thể thấy tình trạng lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân đang cần một hàng rào pháp lý hoàn chỉnh để ngăn ngừa trước số lượng người dùng internet ở trong nước đã đạt tới gần 80 triệu người, gần bằng 2/3 tổng dân số.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an ninh, an ninh mạng trên cả nước hiện là 85 doanh nghiệp, còn ít so với yêu cầu; chưa nói đến năng lực đáp ứng. Nhận thức, giải pháp, quy trình bảo vệ an ninh mạng đang tạo ra khoảng trống lớn.

Trước thực trạng trên, rất cần có tổ chức chuyên trách để đưa ra các khuyến cáo trong các hoạt động thu thập dữ liệu cá nhân. Đặc biệt, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý thì cần xây dựng các thiết chế bảo đảm thực hiện quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân như Ủy ban quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân và sử dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp để bảo đảm thực hiện quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân. Mạnh hơn, có thể đề xuất sửa Bộ luật Hình sự, bổ sung tội làm lộ, lọt dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm.

Tin cùng chuyên mục