Khoảng trống văn học tuổi teen

Không khó để tìm những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi và người lớn tại các nhà sách. Tuy nhiên, để chọn sản phẩm này cho đối tượng tuổi teen (từ 13 đến 19 tuổi) lại không phải dễ.

Chưa đáp ứng nhu cầu

Sau các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi được đánh giá cao, mới đây, nhà văn - nhà báo Nguyễn Khắc Cường, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ - phụ trách ấn phẩm Mực Tím, ra mắt truyện dài Nụ hôn dưới vòm cây (NXB Trẻ), được xem là “của hiếm” của văn học dành cho tuổi teen hiện nay. Tác phẩm khắc họa chân dung, câu chuyện của những chàng trai, cô gái tuổi teen trong thời đại mới, nhưng vẫn có sự nối kết thế hệ trước. Đặc biệt, thông qua một tác phẩm không quá dày, nhưng tác giả đã khéo léo lồng ghép một giai đoạn lịch sử hào hùng của TPHCM với hình ảnh những chiến sĩ trong lực lượng Biệt động Sài Gòn.

X6a.jpg
Ra mắt tác phẩm "Paris những mùa yêu" tại Đường sách TPHCM - một trong những tác phẩm hiếm hoi dành cho tuổi mới lớn hiện nay

Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Khắc Cường, tác phẩm Nụ hôn dưới vòm cây là từ gợi ý của một biên tập viên NXB Trẻ. “Sách người lớn, sách thiếu nhi rất phong phú, nhưng sách lứa tuổi mới lớn lại rất ít. Gợi ý của bạn biên tập viên NXB Trẻ giống như một sự đặt hàng và là một nhà văn, tôi nghĩ mình phải chung tay sáng tác cho lứa tuổi này”, nhà văn Nguyễn Khắc Cường cho biết.

Việc thiếu hụt sách cho tuổi teen có thể thấy rõ qua câu chuyện bút nhóm Vòm Me Xanh quy tụ nhiều tác giả với những tác phẩm mang đậm dấu ấn học trò, từng rất quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc trẻ, nay gần như không còn duy trì. Hay như tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng, ra mắt từ năm 2002 với tổng số 500 cuốn sách đã được xuất bản, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội sáng tác cho các tác giả mới, khi trong tổng số 250 tác giả tham gia, có gần 100 tác giả có tác phẩm đầu tiên được in ở tủ sách này. Tuy nhiên, sau này tủ sách dần đánh mất sức thu hút dù đã đổi tên thành Văn học tuổi teen, thậm chí nhiều năm gần đây hầu như hoàn toàn biến mất.

Từng có 2 tác phẩm trong tủ sách Tuổi mới lớn là Khoảng biếc và Nắng trong lòng phố, nhưng đã rất lâu, nhà văn Phương Huyền không còn viết cho đối tượng này, mà chuyển sang viết cho lứa tuổi thiếu nhi. “Đã có thời gian văn học tuổi mới lớn là chỗ dựa tinh thần rất quan trọng của tôi và những bạn viết trẻ. Lúc đó bao nhiêu tâm tư, tình cảm đều đặt vào tác phẩm. Nhưng rồi người trẻ cũng phải lớn, giờ tôi thấy mình không còn thuận tay khi viết cho lứa tuổi này nữa. Trong quan sát của mình, tôi thấy nhiều năm trở lại đây, văn học tuổi mới lớn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho bạn đọc lứa tuổi này”, nhà văn Phương Huyền chia sẻ.

Cần thêm những sân chơi

Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng, dù tủ sách Tuổi mới lớn, hay Văn học teen đã khép lại, nhưng không có nghĩa mảng sách cho tuổi mới lớn bị quên lãng. NXB Kim Đồng hiện có thương hiệu sách dành cho người trẻ Wingsbooks, chuyên làm sách cho lứa tuổi teen và đã tạo được dấu ấn nhất định đối với độc giả trẻ ở sự đa dạng đề tài, thể loại.

“Không chỉ làm sách cho người trẻ, điều quan trọng hơn cả là Wingsbooks luôn đặt mục tiêu là một sân chơi lớn cho các cây bút trẻ có cơ hội được bạn đọc biết đến”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết. Những năm qua, Kim Đồng là nơi ươm mầm phát triển cho nhiều tác phẩm tuổi mới lớn, tạo được tiếng vang, như: Dấu yêu Cambridge (Ngân Jones), Cầu vồng diên vĩ (Phạm Hải Đăng), Paris những mùa yêu (Danh Trần), Chiếc gương của bầu trời (Bùi Cẩm Linh), Những kẻ thất tình ngày thứ bảy (Phan Hải Anh)…

Thực tế cho thấy, nhu cầu đọc của tuổi teen hiện nay đã khác trước, có xu hướng già dặn hơn. Sách dành cho lứa tuổi này không phải ít, chưa kể tản văn, tiểu thuyết ngôn tình đầy rẫy trên các kệ sách. Tuy nhiên, để có những tác phẩm văn học giá trị, bắt đúng tâm lý của độc giả thì không nhiều. Vậy nên, ngoài những sân chơi thì sự vào cuộc của các nhà văn hiện nay cũng là điều cần thiết. Chúng ta đã từng có một thế hệ nhà văn ghi dấu ấn với những tác phẩm dành cho tuổi teen như Nguyễn Nhật Ánh, Từ Kế Tường, Lưu Thị Lương, Võ Phi Hùng, Kim Hài, Nguyên Hương… Hầu hết họ đều trưởng thành từ những sân chơi văn chương cho giới trẻ và có được sự thành công nhờ nắm bắt tâm tư, tình cảm của bạn đọc trẻ thế hệ của họ.

“Bước vào tuổi teen, các bạn tò mò nhiều thứ, đọc nhiều thể loại sách khác nhau. Đặc biệt, các bạn quan tâm nhiều đến dòng sách tâm lý, kỹ năng, nhưng văn chương vẫn luôn là một phần không thể thiếu. Ngoài phát triển tốt về vốn từ, cấu trúc câu cũng như khả năng giao tiếp, văn chương cũng giúp bạn biết sẻ chia và yêu thương nhiều hơn”, nhà văn Phương Huyền chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục