Khoảng trống trong văn hóa ứng xử

Những ngày gần đây, dư luận liên tục bàng hoàng trước hàng loạt vụ bạo lực đáng báo động. Hình ảnh thiếu niên đánh hội đồng dã man ở công viên Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội), hay đoạn clip cô gái trẻ trong bộ đồng phục nhà trường hành hung người bà lớn tuổi tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh)… khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ.

Điều đáng lo ngại không chỉ là mức độ nghiêm trọng của những hành vi này, mà còn là sự phổ biến của bạo lực trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ. Phải chăng, chúng ta đang chứng kiến một khoảng trống đáng sợ trong văn hóa ứng xử?

Có nhiều câu hỏi khiến tôi trăn trở là: Tại sao ngày càng nhiều người dễ dàng sử dụng bạo lực thay vì đối thoại? Liệu có phải vì môi trường sống ngày nay đang hình thành một thói quen phản ứng tiêu cực khi đối mặt với mâu thuẫn? Ở nhiều vụ việc, thay vì lắng nghe và giải quyết vấn đề một cách ôn hòa, những người trong cuộc lại chọn cách tấn công, hạ nhục và áp đảo đối phương bằng sức mạnh.

Bạo lực không phải là bản năng tự nhiên của con người, nó là một sản phẩm của môi trường sống, giáo dục và nền văn hóa mà chúng ta hấp thụ. Vậy, có phải văn hóa đối thoại đang ngày càng bị lãng quên?

Ở nhà, một số bậc phụ huynh vẫn dạy con bằng đòn roi, bằng mệnh lệnh thay vì đối thoại, lắng nghe. Ở trường học, kỹ năng xử lý mâu thuẫn không phải là một phần quan trọng trong giáo dục. Ngoài xã hội, sự thấu hiểu và đồng cảm ngày càng nhường chỗ cho sự nóng nảy, hằn học. Khi trẻ em lớn lên trong một môi trường mà bạo lực là công cụ giải quyết vấn đề, liệu chúng có còn coi trọng sức mạnh của lời nói, của sự cảm thông?

Chúng ta cũng không thể bỏ qua vai trò của mạng xã hội. Những video đánh nhau, những lời lẽ công kích, miệt thị trên không gian mạng đang trở thành một phần quen thuộc của đời sống số. Khi những hành vi bạo lực được ghi lại, chia sẻ và thậm chí trở thành trò tiêu khiển, nó sẽ củng cố tâm lý rằng “đánh nhau là cách duy nhất để thể hiện bản thân, để giành chiến thắng”.

Một xã hội có một số người dễ dàng chọn bạo lực thay vì đối thoại sẽ đối mặt với những hậu quả khôn lường. Không chỉ là sự gia tăng tội phạm, bạo lực học đường, mà còn là sự mất mát niềm tin giữa con người với con người. Khi có những người trẻ không còn coi trọng lời nói, khi họ tin rằng nắm đấm hiệu quả hơn lý lẽ, thì đó là dấu hiệu của sự đứt gãy trong nền tảng đạo đức xã hội.

Câu hỏi đặt ra là: liệu chúng ta có thể chấp nhận để bạo lực trở thành một phần “bình thường” trong đời sống? Chúng ta có thể làm gì để khắc phục khoảng trống trong văn hóa ứng xử?

Không ai sinh ra đã có sẵn tư duy bạo lực, và cũng không ai miễn nhiễm trước những tác động của môi trường. Vì vậy, để thay đổi thực trạng này, chúng ta cần một giải pháp tổng thể từ nhiều phía.

Đối với gia đình, cha mẹ dứt khoát cần học cách giáo dục con bằng sự thấu hiểu thay vì áp đặt. Trẻ em cần được dạy rằng xung đột là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng chúng có thể được giải quyết bằng lời nói, bằng sự lắng nghe và đồng cảm.

Ở trường học, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng kiểm soát cảm xúc và giải quyết xung đột phải trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình học. Nhà trường không chỉ dạy kiến thức mà còn phải giúp học sinh học cách làm người. Với mạng xã hội và truyền thông, chúng ta cần có những chiến dịch nâng cao nhận thức về hậu quả của bạo lực, đồng thời thúc đẩy các hình mẫu giao tiếp văn minh, tôn trọng lẫn nhau.

Cuối cùng, pháp luật phải có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi bạo lực, nhưng đồng thời cũng phải có các chương trình hỗ trợ, tư vấn tâm lý để giúp những người trẻ đang bị ảnh hưởng bởi môi trường bạo lực.

Không một xã hội nào có thể phát triển bền vững nếu một số thành viên trong đó chỉ biết đến bạo lực thay vì đối thoại. Nếu không nhanh chóng lấp đầy khoảng trống trong văn hóa ứng xử, chúng ta sẽ phải chứng kiến một bộ phận thế hệ trẻ lớn lên với sự vô cảm, với niềm tin rằng chỉ có sức mạnh bạo lực mới giải quyết được vấn đề.

Chúng ta có thể tiếp tục thờ ơ trước những hình ảnh bạo lực đang ngày càng phổ biến? Hay chúng ta sẽ chủ động thay đổi, bắt đầu từ chính cách chúng ta ứng xử với nhau mỗi ngày? Câu trả lời nằm ở mỗi người chúng ta, bởi văn hóa ứng xử không phải là thứ tự nhiên hình thành - nó được tạo ra và nuôi dưỡng bởi chính những hành động nhỏ nhất của mỗi cá nhân, gia đình trong xã hội.

Tin cùng chuyên mục