Thiếu những người tâm huyết
Sau Bí mật tuổi trăng non (NXB Kim Đồng, 2018), TS Nguyễn Thanh Tâm (bút danh Thanh Tâm Nguyễn) vừa ra mắt Dòng chảy lấp lánh (NXB Kim Đồng). Với 24 tiểu luận, TS Nguyễn Thanh Tâm đã tiếp cận gần hơn với văn học thiếu nhi đương đại, thông qua những góc nhìn về tác phẩm và tác giả. PGS-TS Bùi Thanh Truyền, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình của Hội Nhà văn TPHCM, nhận xét: “Cuốn sách đã truyền được cái rung động mong manh, sự sáng trong, nhân hậu của trang viết đến bạn đọc, người nghiên cứu, giảng dạy văn học thiếu nhi”.
Trước đó không lâu, TS Nguyễn An cũng ra mắt tập khảo luận và chân dung Văn học thiếu nhi Việt Nam (NXB Hội Nhà văn). Dù cách tiếp cận những vấn đề cũng như tác phẩm, tác giả không thực sự mới nhưng công trình của TS Nguyễn An đã phần nào phác họa một cách tổng quát về chặng đường hình thành và phát triển của văn học thiếu nhi Việt Nam. Cùng với đó là những tư liệu về các tác giả: Tô Hoài, Huy Cận, Tế Hanh, Nguyên Hồng, Thạch Lam, Đoàn Văn Cừ, Trần Hữu Thung, Võ Quảng...
Các bạn nhỏ đọc sách miễn phí tại Đường sách TPHCM |
Có thể thấy, Dòng chảy lấp lánh và Văn học thiếu nhi Việt Nam là 2 tác phẩm hiếm hoi về phê bình văn học thiếu nhi hiện nay. Lý do nào tạo nên khoảng trống này? Trong cuốn sách của mình, TS Nguyễn Thanh Tâm đã chỉ ra: “Ở Việt Nam, xét ở phương diện lý luận, phê bình, quyền lực của văn học thiếu nhi là thứ rất khó nhận diện. Lối tiếp cận văn học thiếu nhi mang tính thời vụ, chỉ rộ lên vào mỗi mùa phát động, mỗi dịp trao giải, hay ngày kỷ niệm Quốc tế Thiếu nhi càng phô rõ cái mỏng mảnh đáng thương của phê bình văn học thiếu nhi. Bình thường “bỏ bẵng”, chỉ đồng loạt đánh tiếng khi có một sự kiện nào đó, đấy là kiểu nghiên cứu thiếu chuyên nghiệp, chạy theo hình thức”.
Một nguyên nhân quan trọng khác là phê bình văn học thiếu nhi Việt Nam hiện nay đang thiếu những người thực sự tâm huyết với trẻ em và với văn học thiếu nhi. Số người chuyên tâm với phê bình văn học thiếu nhi có thể đếm trên đầu ngón tay: Vân Thanh, Lê Phương Liên, Lã Thị Bắc Lý, Lê Nhật Ký, Bùi Thanh Truyền, Thanh Tâm Nguyễn. Nhiều trong số đó là các giảng viên đang tham gia giảng dạy học phần văn học thiếu nhi ở trường đại học.
Tấm gương chân thực của sáng tác
Theo TS Nguyễn Thanh Tâm, phê bình - trong suy nghĩ của khá nhiều người là “cái đuôi” của văn học. Tuy vậy, dù hiểu theo nghĩa “kém sang” đó thì với văn học thiếu nhi, phê bình vẫn là “cái đuôi” hữu dụng, cần có. “Nhờ cái đuôi ấy mà những tác phẩm hay không bị rơi, bị chìm vào khoảng lặng, cõi lặng. Mà trong bối cảnh hiện tại, nhiều khi người viết cho thiếu nhi cũng chỉ dám ước vậy mà thôi. Xét ở khía cạnh này, phê bình xuất hiện, tồn tại như liệu pháp tâm lý để nhà văn bớt “tủi thân”, có thêm động lực để viết và bền bỉ hơn với hành trình nghệ thuật đã chọn”, TS Nguyễn Thanh Tâm cho biết.
Nhà văn Phương Huyền, tác giả của một số tác phẩm dành thiếu nhi như: Cuộc phiêu lưu của Tai Thỏ, Những thiên thần của người gác rừng, có một chút tiếc nuối khi đề cập đến lực lượng phê bình văn học thiếu nhi hiện nay. Theo chị, giữa không khí sôi động của sáng tác văn học thiếu nhi thời gian vừa qua, nếu có sự góp sức của các nhà phê bình, có lẽ còn rôm rả hơn. “Nhà phê bình chân chính, có cái nhìn khách quan sẽ giúp tác phẩm có đời sống sâu hơn. Nhà phê bình cũng giúp tác giả nhận ra nhiều chiều thú vị hơn ở tác phẩm, giúp độc giả có thêm lựa chọn và nhiều cơ hội tiếp cận tác phẩm hơn. Không phải kiểu phê bình khua chiêng múa trống, mà phê bình có trách nhiệm, cần thiết với sáng tác”, nhà văn Phương Huyền bày tỏ.
Tuy nhiên, phê bình văn học thiếu nhi cũng đang xuất hiện những tia sáng hy vọng. Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, tác giả nổi bật của văn học thiếu nhi hiện nay, cho rằng, việc ra mắt một số tác phẩm phê bình vừa qua cho thấy, chỉ cần văn học thiếu nhi phát triển thực sự, có những tác phẩm chất lượng, sẽ không lo phê bình “bỏ rơi” mình. “Có thể chấp nhận việc phê bình chậm hơn sáng tác một nhịp để có thêm thời gian thẩm thấu, chiêm nghiệm tác phẩm. Nhưng chỉ mong các nhà phê bình có được cặp mắt nhìn bao quát và công tâm”, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa chia sẻ.