Các chương trình gameshow, truyền hình thực tế cho các em nhỏ xuất hiện ngày càng nhiều với đủ kiểu tìm kiếm tài năng. Có thể kể đến những cái tên như: Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhí, Sinh ra để tỏa sáng, Biệt tài tí hon, Tuyệt đỉnh song ca nhí… Sân chơi nhí ngày càng đa dạng, độ tuổi được nới rộng hơn, một số em mới chỉ 4-5 tuổi cũng có thể tham gia. Qua những sân chơi ấy, những tài năng nhí có cơ hội, thử sức, học hỏi và tỏa sáng. Ngoài ra, đây được coi là mảnh đất tốt để kích hoạt thị trường âm nhạc cho thiếu nhi, những ca khúc mới có cơ hội được xuất hiện.
Tuy nhiên, dõi theo các chương trình đó, chúng ta nhận thấy rằng có rất ít những ca khúc mới phù hợp với độ tuổi thiếu nhi. Các em vẫn phải chọn những ca khúc quen thuộc để trình diễn an toàn và cũng dễ chiếm được cảm tình của khán giả. Trong nhiều chương trình, đáng ngạc nhiên khi các em được khuyến khích hát nhạc trẻ, nhạc bolero, bắt chước những câu chuyện tình mất mát chia ly của người lớn.
Thực tế, hiện nay lứa tuổi thiếu nhi đang bị chi phối nhiều bởi xu hướng và thị hiếu âm nhạc đang bùng nổ, thậm chí nhiều em còn thuộc vanh vách những ca khúc nhạc trẻ mới ra mắt, hoặc những ca sĩ trẻ mới nổi. Việc các em nhỏ hát Cháu lên ba, Con cò be bé… là điều cực hiếm. Nhiều em còn lo sợ hát những bài này sẽ bị trượt từ vòng loại. Rõ ràng, với sự xuất hiện ngày càng dày đặc các chương trình gameshow thì kho dự trữ các ca khúc trẻ em mang tính đương đại là rất ít.
Thời gian gần đây, rất ít ca khúc nhạc thiếu nhi mới được phát hành, cùng với đó là sự phát triển ồ ạt của thị trường âm nhạc đánh vào thị hiếu của giới trẻ. Điều này vô tình làm xu hướng âm nhạc bị thay đổi, nhất là với các em ở độ tuổi thiếu nhi.
Lý giải về nguyên nhân này, nhạc sĩ Quỳnh Hợp cho rằng: “Hiện nay, việc nhiều ca khúc mới cho thiếu nhi chưa được phát hành vì nhiều lý do, như các đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương đã giảm ngân sách cho việc dàn dựng, thu thanh những sáng tác mới cho thiếu nhi. Bản thân các tác giả cũng không có điều kiện kinh tế để tự thu thanh và quảng bá những sáng tác của mình”.
Rõ ràng, mảng ca khúc mới cho thiếu nhi chưa được quan tâm đầu tư. Cần phải có những sáng tác mới, đúng với tình cảm, xu hướng, cách nghĩ, hành động… của các em. Phần âm nhạc phải phong phú và đa dạng hơn, mang hơi thở đương đại để có thể đáp ứng được sở thích, xu thế nghe và nhìn của từng lứa tuổi. Các chương trình truyền hình thực tế nên có giải thưởng riêng cho các sáng tác mới hay, dàn dựng hiệu quả, phù hợp độ tuổi các em để khuyến khích các tác giả sáng tác ca khúc mới. Với xu hướng thưởng thức âm nhạc đa dạng và cởi mở như hiện nay, việc các em nhỏ vẫn phải hát những bài hát cũ, hoặc chọn hát những bài hát người lớn cho thấy âm nhạc cho thiếu nhi đang có những khoảng trống.