Khoảng 780 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói; gần 50 triệu trẻ em có nguy cơ tử vong vì suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, nguồn tài trợ cho hoạt động nhân đạo toàn cầu trong năm nay chỉ ở mức 32%.
“Trong thế giới sung túc của chúng ta, thật sự phẫn nộ khi cứ vài giây lại có một người chết đói, trong khi Chương trình Lương thực thế giới (WFP) phải cắt giảm các chương trình viện trợ thiết yếu”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.
Theo ông Guterres, sau nhiều năm đạt được những tiến bộ trong an ninh lương thực, năm 2015, chính phủ các quốc gia trên thế giới đặt mục tiêu xóa bỏ nạn đói vào năm 2030. Thế nhưng 8 năm sau, số người bị đói lại đang tăng lên đáng kể.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, nguyên nhân của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay là do xung đột, khí hậu cực đoan, bất bình đẳng và bất ổn về kinh tế. Chỉ trong năm 2022, 56,8 triệu người đã rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng do biến đổi khí hậu. Chủ đề của Ngày Lương thực thế giới năm nay tập trung vào nước.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định, việc quản lý nước bền vững phục vụ cho nông nghiệp và sản xuất lương thực là thực sự cần thiết để chấm dứt nạn đói, đạt được Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá cho các thế hệ mai sau.