Hội nghị khoa học tiêu hóa gan mật do Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Trường đại học Nagoya (Nhật Bản) tổ chức ngày 16-9 tại Hà Nội. Các chuyên gia tham dự cho biết, khoảng 70% dân số Việt Nam nhiễm vi khuẩn HP. Đây được xem là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày-tá tràng, có thể dẫn đến ung thư dạ dày.
Tham gia hội nghị khoa học lần này hơn 300 đại biểu là các giáo sư, bác sĩ của các bệnh viện từ hơn 20 tỉnh, thành phố phía Bắc cùng đoàn chuyên gia đến từ bệnh viện trường đại học Nagoya (Nhật Bản). Hội nghị là cơ hội để các bác sĩ Việt Nam học hỏi những tiến bộ y học trong chuyên ngành Tiêu hóa – Gan mật của các giáo sư, bác sĩ đến từ Nhật Bản.
Tiến sỹ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh điều trị vi khuẩn HP ở Việt Nam khá cao. Nhiều loại thuốc điều trị HP tại nhiều nước đạt hiệu quả tới 80 - 90%, thì ở Việt Nam tỷ lệ thành công chỉ dưới 80%, thậm chí có những loại thuốc, tỷ lệ thành công trong điều trị chỉ khoảng 50 - 60%.
Vi khuẩn HP có thể lây qua đường ăn uống, dẫn đến nhiều người trong gia đình đều bị nhiễm và có thể mắc đi mắc lại nhiều lần. Ngoài ra, nếu ăn mặn, thực phẩm lên men, dưa muối chua, thịt hun khói… sẽ làm cho thực phẩm bị biến chất gặp điều kiện vi khuẩn HP dễ phát sinh ung thư hơn. Do vậy, chế độ ăn cho người bị nhiễm HP cần tránh đồ chua cay, tránh ăn mặn, nên dùng củ nghệ vì có tính chất bảo vệ chống ung thư, làm lành những tổn thương trong viêm loét dạ dày.
Một nghiên cứu mới đây tại Hà Nội cho thấy, cứ 1.000 người dân thì có tới hơn 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP (Heclicobacter pylori). Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, 90% số người bị viêm dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP. Các chuyên gia về bệnh tiêu hóa, gan mật cho rằng, việc điều trị diệt vi khuẩn HP khi bị viêm, loét dạ dày, tá tràng là rất cần thiết nhằm ngăn ngừa các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, hiện nay, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trở nên phổ biến và người bệnh không tuân thủ liều lượng, thời gian uống thuốc, tự ý thay đổi đơn thuốc của bác sĩ đã dẫn đến tình trạng vi khuẩn HP kháng với nhiều loại kháng sinh. Điều đó dẫn đến việc chữa trị trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ tháng 11/2013, với sự giúp đỡ của Trường đại học Nagoya, lần đầu tiên hội nghị chuyên đề Tiêu hóa - Gan mật giữa Bệnh viện Bạch Mai và Trường đại học Nagoya Nhật Bản được tổ chức. Với sự hợp tác không ngừng, tháng 7-2014, hội nghị lần thứ II được tổ chức với một bước ngoặt lớn bằng sự ra đời của Trung tâm Nội soi Tiêu hóa Việt Nam – Nhật Bản tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trung tâm Nội soi được thành lập đã giúp cho việc chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt như: chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa, cắt tách dưới niêm mạc điều trị tổn thương tiền ung thư, ung thư sớm mà không phải cắt bỏ thực quản, dạ dày và đại tràng; cho phép thăm dò toàn bộ ruột non và điều trị các bệnh ở ruột non.
Ngoài ra, kỹ thuật chụp mật tụy ngược dòng cấp cứu (ERCP) đã trở thành kỹ thuật thường quy giúp cứu sống bệnh nhân nhiễm trùng đường mật nặng có suy tạng: rối loạn đông máu, suy tuần hoàn, suy hô hấp...