Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, qua tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị, Đà Nẵng xác định công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là một bộ phận quan trọng trong 5 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho địa phương.
Sự chuyển mình và tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao của TP Đà Nẵng là kết quả của một quá trình lãnh đạo và chỉ đạo trong hơn 20 năm qua, bắt đầu từ Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3-10-2000 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về một số chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12-3-2003 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Ngành công nghiệp công nghệ thông tin TP Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Doanh thu ngành thông tin và truyền thông Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 8.307 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 0,74 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 81 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Đề cập đến định hướng, theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Đà Nẵng xác định quan điểm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn gắn với phát triển công nghiệp điện tử, chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh; dựa trên nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển khâu thiết kế và kiểm thử, đóng gói chip.
Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, khai thác tối ưu thế mạnh đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp, trong đó ưu tiên hợp tác với các tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới để có phương án tham gia phù hợp trong chuỗi giá trị, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm bán dẫn cho thị trường trong nước và quốc tế.
Đến năm 2030, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
Theo bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, gần đây, ngành công nghiệp bán dẫn mới nổi của Đà Nẵng đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, nhờ vào việc phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng công nghiệp, vị trí chiến lược của Đà Nẵng, lực lượng lao động tay nghề cao ngày càng tiến bộ. Và với hệ sinh thái công nghệ mới nổi, Đà Nẵng đang ở vị thế thuận lợi để đi đầu trong sự tăng trưởng này, góp phần làm cho sự kiện vừa kịp thời và có ý nghĩa.
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, bà Susan Burns khuyến khích, cần đảm bảo môi trường pháp lý hấp dẫn và đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ. Để duy trì khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, lực lượng lao động là yếu tố quan trọng. Điều này bắt đầu bằng việc tăng cường giáo dục STEM ở mọi cấp độ để đảm bảo hệ thống giáo dục đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có các kỹ năng kỹ thuật cần thiết. Các công ty, tập đoàn của Hoa Kỳ như Synopsys, Marvell và Intel đã có vị thế vững chắc tại Việt Nam tiếp tục mở rộng đầu tư, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, tạo ra nhiều việc làm chất lượng cao mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024 được kỳ vọng sẽ là diễn đàn để các bên trao đổi, đề xuất các giải pháp, chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên địa bàn TP Đà Nẵng, hướng đến xây dựng thương hiệu Đà Nẵng - Trung tâm vi mạch bán dẫn khu vực miền Trung Việt Nam.
Sự kiện “Ngày vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” gồm 2 phiên: Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng và Hội nghị Kết nối cung cầu nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn Đà Nẵng.