Theo Nghị định số 33, khoán tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy định hiện hành đối với phường: Loại I là 23 người, loại II là 21 người và loại III là 19 người; đối với xã, thị trấn: Loại I là 22 người, loại II là 20 người và loại III là 18 người.
Và khoán tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định hiện hành (đối với cấp xã loại I - II - III tương ứng là 14 - 12 - 10 người), Nghị định bổ sung quy định tăng thêm (không khống chế tối đa) số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định. Cụ thể:
- Theo quy mô dân số: Đối với phường thuộc quận, cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định thì được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách; đối với các ĐVHC còn lại, cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định thì được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách.
- Theo diện tích tự nhiên: Ngoài việc tăng thêm công chức và người hoạt động không chuyên trách theo quy mô dân số nêu trên, mỗi ĐVHC cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định thì được tăng thêm 1 công chức và 1 người hoạt động không chuyên trách.
Nghị định cũng quy định việc thực hiện khoán cho từng địa phương (cấp tỉnh) và phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định cụ thể số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của từng ĐVHC cấp huyện thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn (không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tính cho cả cấp tỉnh).
UBND cấp huyện quyết định số lượng và bố trí cụ thể cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở từng ĐVHC cấp xã cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhưng phải bảo đảm không vượt quá tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do HĐND cấp tỉnh giao cho cấp huyện.
Thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là một cấp chính quyền. Nghị định tiếp tục quy định 3 chức danh người hoạt động không chuyên trách (gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố.
Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Về phụ cấp chức vụ theo diện kiêm nhiệm:
Do chưa sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, do đó không có đủ căn cứ pháp lý để quy định công chức cấp xã có chức danh Văn phòng Đảng ủy và một số chức danh thuộc cấp ủy cấp xã nên bổ sung quy định về phụ cấp kiêm nhiệm theo hướng: Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định đối với chức danh kiêm nhiệm.
Đồng thời, giao UBND cấp huyện quyết định chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức giảm được so với số được giao theo quy định.
Nghị định quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi ĐVHC cấp xã loại I - II - III tương ứng từ 16,0 - 13,7 - 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 - 18 - 15 lần mức lương cơ sở. Ngoài mức khoán quỹ phụ cấp, đối với những ĐVHC cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định được tăng thêm người hoạt động không chuyên trách thì cứ tăng 1 người hoạt động không chuyên trách so với quy định được tăng quỹ phụ cấp khoán 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người tăng thêm.
Tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3,0 - 5,0 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố hiện nay lên mức 4,5 - 6,0 lần mức lương cơ sở (trong đó, mức khoán 6,0 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc ĐVHC cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và thôn, tổ dân phố thuộc ĐVHC cấp xã biên giới, hải đảo; mức khoán 4,5 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với các thôn, tổ dân phố còn lại). Đối với ĐVHC cấp huyện không tổ chức ĐVHC cấp xã thì thôn, tổ dân phố được xác định theo ĐVHC cấp huyện đó.
Đồng thời, Nghị định quy định việc UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thì không phải xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương.
Nghị định có hiệu lực từ 1-8-2023.
Để bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương và đẩy mạnh việc phân cấp, Nghị định quy định giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng đối với từng chức vụ, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.