Một trong những nội dung đáng lưu ý là Quốc hội giao Chính phủ “đặc biệt có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước (NSNN) trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, quá trình thảo luận dự thảo nghị quyết về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2023, một số đại biểu Quốc hội bày tỏ trăn trở, đề nghị đánh giá kỹ tỷ lệ huy động vào NSNN năm 2023, vì chỉ đạt được 15,7% GDP, thấp hơn yêu cầu của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và thấp hơn so với năm 2022 (17,2% GDP).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lý giải, trong 2 năm 2022-2023, nền kinh tế gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế không đạt như kế hoạch, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số chính sách thu theo hướng miễn, giãn, giảm thuế suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất kinh doanh với quy mô lớn.
Do đó, hệ thống chính sách thu không thể điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ huy động cao hơn vào NSNN, khai thác các dư địa thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế… như yêu cầu tại Nghị quyết số 23/2021/QH15. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ huy động vào NSNN năm 2023.
Nhìn kỹ vào cơ cấu thu, nhiều đại biểu Quốc hội đã lưu ý, mặc dù ngân sách địa phương có tăng so với dự toán nhưng không đồng đều, nhiều địa phương vẫn hụt thu. Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến trong năm 2023 có 34 địa phương thu đạt và vượt dự toán, 29 địa phương thu không đạt dự toán. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ phần hóa, thu hồi vốn nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế thì có tới 43 địa phương dự kiến giảm thu.
Việc ban hành và thực hiện các giải pháp như hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng, giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế suất 10%... đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất.
Tuy nhiên, hoàn toàn có lý khi nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện hiệu quả của các chính sách theo hướng “khoan thư sức dân” kể trên để làm căn cứ xem xét, triển khai chính sách hỗ trợ trong các năm tiếp theo.
Tình trạng hụt thu, theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân là chính sách miễn giảm, còn có nguyên nhân quan trọng trong công tác hành thu, triển khai các giải pháp chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Một lĩnh vực dường như đang còn “khoảng trống” mà các cơ quan thuế, hải quan cần tăng cường hiệu quả quản lý là hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Đồng thời, để nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho NSNN, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô. Tất nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài vượt ra ngoài khả năng của ngành thuế.
Ở chiều ngược lại, nếu muốn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, thì việc tiếp tục cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng cực kỳ quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động trong công tác dự báo nguồn lực, đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách; có giải pháp cụ thể, phù hợp với các nhiệm vụ thu, chi đã được Quốc hội quyết định.