Bản dự thảo nghị định dự kiến được Chính phủ ban hành, có hiệu lực ngay từ những ngày đầu xuân mới Nhâm Dần. Trong đó, riêng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) là khoảng 49.400 tỷ đồng; chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng.
Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8%; cơ sở kinh doanh (bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT …
Hoàn toàn có lý khi các chuyên gia cho rằng, giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, chỉ trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ (được quy định chi tiết tại phụ lục ban hành kèm theo nghị định này) là chính sách quan trọng nhất lần này.
Trong khi nhiều quốc gia khác chi tới 10% tài khóa (có nước như Mỹ lên tới 30% GDP, Nhật Bản hơn 50%...) và đã “bơm” tiền ra thị trường từ 2 năm trước đây với một phần đáng kể được “rải đều” cho người dân chi tiêu để kích cầu, thì việc giảm thuế GTGT cũng có độ phủ rộng gần như tất cả người dân và doanh nghiệp - đồng thời cũng đem lại hiệu ứng kích cầu. Đó là cách làm khéo léo, đúng và trúng trong bối cảnh nguồn lực tài chính hạn hẹp.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân hiểu và sớm được thụ hưởng lợi ích từ chính sách giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế và triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc, tại khoản 1 và 2, điều 3 dự thảo Nghị định quy định rõ, các bộ và UBND tỉnh thành trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; tập trung vào các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế GTGT) từ ngày 1-2-2022 đến hết ngày 31-12-2022 cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 1-2-2022...
Có thể thấy, việc xây dựng và ban hành nghị định của Chính phủ đã bám sát các nội dung quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan. Bên cạnh đó, nghị quyết đảm bảo nguyên tắc đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.
Tuy số thu ngân sách sẽ giảm, nhưng số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, việc thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế đồng thời với việc tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế là hết sức cần thiết. Cùng với đó là khâu triển khai quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế…