Dù vậy, số lượng vụ việc dân sự tạm đình chỉ tại TPHCM vẫn còn khá lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi và gây nên sự bức xúc nơi người dân. Những vấn đề xung quanh tình trạng này đã được thẳng thắn phân tích, trao đổi tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Tạm đình chỉ án dân sự - Nguyên nhân và giải pháp” do Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức vào ngày 3-6.
Hàng ngàn vụ việc dân sự bị tạm đình chỉ
Trong 6 tháng đầu năm 2018, TAND hai cấp TPHCM thụ lý 19.252 vụ việc dân sự; trong số 14.033 vụ việc chưa giải quyết có 4.480 vụ việc đang tạm đình chỉ (chiếm tỷ lệ 31,9%), 172 vụ việc quá hạn xét xử theo luật định.
Ông Đỗ Khắc Tuấn, Phó Chánh án TAND TPHCM nêu một số nguyên nhân khiến vụ việc dân sự bị tạm đình chỉ giải quyết như: đợi kết quả xác minh, thu thập chứng cứ từ các cơ quan khác (kết quả giám định, kết quả định giá, kết quả đo vẽ hiện trạng nhà đất tranh chấp...); đợi kết quả giải quyết các vụ án khác hoặc vụ việc pháp luật quy định phải do cơ quan khác giải quyết trước; đợi kết quả ủy thác tư pháp để thu thập chứng cứ hoặc triệu tập đương sự đang ở nước ngoài; đợi kết quả giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp...
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng (trái) trao đổi với người dân tại một buổi tiếp công dân vào tháng 1-2018. Ảnh minh họa: KIỀU PHONG
“TAND hai cấp TPHCM luôn xác định việc tạm đình chỉ vụ án là khoản nợ của tòa án đối với người dân, và chúng tôi phải luôn tìm cách khắc phục việc tạm đình chỉ này”, ông Đỗ Khắc Tuấn thẳng thắn nói.
Ông cho biết ngành tòa án TPHCM thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các thẩm phán phải kiểm tra việc tạm đình chỉ vụ án; nếu không có căn cứ thì phải kịp thời phục hồi, nếu lý do tạm đình chỉ vẫn còn thì phải đôn đốc khắc phục những trở ngại đó. Những thẩm phán có án tạm đình chỉ không có căn cứ, quá hạn xét xử thì sẽ bị tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Theo ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM, qua những đợt giám sát và kết quả khảo sát cho thấy có một số nguyên nhân dẫn đến giải quyết các vụ việc dân sự kéo dài.
Thứ nhất là do một số thẩm phán chưa tích cực hỗ trợ khi người dân yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Thứ hai là sự trả lời của các cơ quan, đơn vị còn chung chung. Chẳng hạn trong một vụ tranh chấp quyền sử dụng đất, việc giám định chữ ký, chữ viết kéo dài gần 5 năm.
Và câu trả lời “chữ ký và chữ viết có một số đặc điểm khác nhau, nhưng chưa có cơ sở kết luận giám định” vô trách nhiệm đã gây khó khăn cho tòa án khi giải quyết.
Trong khi đó, với kết luận giám định rất rõ ràng của Bộ Công an rằng chữ ký và chữ viết không phải cùng một người viết ra, tòa án giải quyết rất nhanh.
Hoặc là trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất khác, UBND một huyện có công văn trả lời tòa án là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đúng theo quy định của pháp luật, bác bỏ khiếu nại của nguyên đơn.
Nhưng chỉ 3 tháng sau, chính UBND huyện này lại cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sai quy định, ra quyết định thu hồi. “Trong tình huống này, thẩm phán phải xử như thế nào? Điều này dẫn đến tình trạng việc giải quyết án bị kéo dài hoặc bị tạm đình chỉ”, ông Trương Lâm Danh nói.
Phải chủ động giải quyết cho người dân
Tại chương trình Lắng nghe và trao đổi, 12 cử tri thành phố đã nêu những vụ việc tranh chấp dân sự của bản thân và gia đình kéo dài nhiều năm, tòa án thụ lý đã lâu nhưng đến nay chưa được giải quyết, bị tạm đình chỉ.
Ngay sau đó, lãnh đạo TAND các quận 5, 6, 9, Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi (cơ quan thụ lý các vụ việc được nêu) thông tin kết quả giải quyết; giải thích những vướng mắc trong quá trình thu thập chứng cứ, chờ đợi sự phối hợp của các cơ quan chức năng, tính chất phức tạp của vụ án khiến việc giải quyết bị kéo dài; đồng thời đưa ra thời hạn cụ thể giải quyết vụ việc trong thời gian sớm nhất.
Qua những vướng mắc được phía tòa án nêu ra qua từng vụ việc cụ thể, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng tòa án cần phối hợp UBND quận - huyện để có quy chế tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin và phải cung cấp thông tin khi người dân yêu cầu.
Đối với sự trả lời thiếu trách nhiệm của những cơ quan có thẩm quyền, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề nghị tòa án và các cơ quan có thẩm quyền phối hợp xây dựng quy chế, theo đó quy định nếu thời gian trả lời chậm thì người đứng đầu phải bị xử lý.
“Nếu không có địa chỉ chịu trách nhiệm thì câu chuyện tạm đình chỉ vụ án, vụ việc sẽ khó có hồi kết thúc”, luật sư Nguyễn Văn Hậu phát biểu.
Kết thúc chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải phát biểu đề nghị đội ngũ thẩm phán của TAND hai cấp TPHCM phải quyết liệt hơn, chủ động theo sát việc giải quyết thu thập chứng cứ. Trong trách nhiệm của mình, HĐND TPHCM sẽ giao cho Ban Pháp chế giám sát tiến độ giải quyết những vụ việc được các cử tri nêu, báo cáo HĐND TPHCM.