Trong giai đoạn thảo luận về ngân sách, từng có ý kiến kêu gọi trì hoãn việc tăng thuế đến năm 2025 vì lạm phát tăng và một số doanh nghiệp vẫn đang vật lộn với khó khăn, hoặc chỉ tăng khoảng 2%. Chính phủ Singapore đã chọn con đường trung gian là tăng thuế GST theo lộ trình 2 bước: 1% vào năm 2023 (lên mức 8%) và tăng tiếp 1% vào năm 2024 (lên mức 9%).
Một biện pháp khác là tăng thuế thu nhập cá nhân lên 23% đối với những người có thu nhập từ 500.000 SGD (370.000 USD) đến 1 triệu SGD (741.000 USD) và 24% đối với những người có thu nhập hơn 1 triệu SGD (cả hai hiện được áp mức thuế 22%). Thuế bất động sản cũng sẽ tăng lên 36% vào năm 2024 từ mức 20% đối với bất động sản không có chủ sở hữu. Bên cạnh đó, cũng sẽ có các loại thuế bổ sung đối với ô tô hạng sang.
Ngân sách năm 2022 của Singapore còn mang lại cho những người thu nhập thấp và trung bình quyền lợi tốt hơn. Gói Bảo hiểm GST, bảo vệ hầu hết các gia đình có thu nhập trung bình và thấp khỏi tác động của mức thuế GST cũng được tăng 10%, lên 6,6 tỷ SGD (4,8 tỷ USD). Sáng kiến táo bạo nhất là quyết định tăng thuế carbon từ 5 SGD (3,7 USD)/tấn khí thải carbon lên 25 SGD (18,5 USD)/tấn vào năm 2024 và tăng tới 80 SGD (59,3 USD)/tấn vào năm 2030. Ngân sách mới cũng bao gồm một loạt biện pháp để nền kinh tế sẵn sàng hơn trong tương lai, trong đó có việc tăng cường khả năng kỹ thuật số, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trao quyền cho họ để đổi mới sáng tạo, quốc tế hóa và mở rộng quy mô.
Chính phủ Singapore mong muốn tăng nguồn thu thuế để phục vụ các hoạt động chi tiêu công trong tương lai mà theo ước tính lên mức hơn 20% GDP vào năm 2030. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là nỗ lực của Singapore để củng cố quỹ dự trữ quốc gia vốn bị hao hụt lớn do phải phục vụ các chương trình cứu trợ kinh tế thời kỳ dịch Covid-19, cũng là cách để giải quyết mối lo bất bình đẳng thu nhập nổi lên trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh.